29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir (trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới), tại Hà Nội, ngày 8/1, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) xếp Hà Nội là TP ô nhiễm thứ 2 thế giới với mức 234, xếp sau Kolkata của Ấn Độ. Điểm đo Quảng Khánh (Tây Hồ) vẫn xếp đầu bảng về chỉ số ô nhiễm của Hà Nội với AQI ở ngưỡng nâu 324 - ngưỡng nguy hại cho sức khỏe con người.
Tình trạng ô nhiễm không khí quanh khu vực Hồ Tây vẫn tái diễn, nhiều điểm đo ghi nhận chỉ số AQI ngưỡng tím như Tô Ngọc Vân AQI 298, Hồ Tây Compound AQI 291, Ciputra AQI 264, Từ Hoa AQI 246, Quảng Bá AQI 262... Nhiều điểm đo khác cũng ghi nhận ngưỡng tím như Vinhomes Riverside (Hoàn Kiếm) AQI 249, Cự Khối (Long Biên) AQI 234, Hoàng Quốc Việt AQI 248... AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.
Bộ Y tế cho biết, chỉ số AQI ở mức 201 – 300 cho thấy chất lượng không khí đang ở mức xấu, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Hà Nội đang trong những ngày cao điểm về ô nhiễm không khí.
Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025, dự kiến 4 đoàn công tác sẽ giám sát trực tiếp từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7 tại 15 địa phương, trong đó có Hà Nội. Dự kiến báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, TP hiện có khoảng 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những cơ sở có hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.
Đáng chú ý, Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau.
Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất, từ 58 - 74%; tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14 - 23%; nguồn nông nghiệp từ 3,4 - 18,9%; nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10. Giai đoạn năm 2019 - 2020, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Tăng trưởng nóng gắn với bụi xây dựng
Về tác hại của bụi mịn, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta. Vì kích thước nhỏ nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, vào phổi, thậm chí có khả năng đi vào máu. Bụi mịn mang nhiều chất độc hại và nhỏ nên khẩu trang thông thường không thể ngăn được, gây ra các bệnh như đột quỵ, ung thư…
Với khí hậu ở miền Bắc, cứ đến mùa đông, khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau, nồng độ PM2.5 cao hơn các thời gian còn lại trong năm. Đó là vì trong những tháng đó có các yếu tố gió lặng, không khí ẩm thấp, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra làm cho bụi mịn trong không khí không khuếch tán lên cao được, luẩn quẩn dưới tầng thấp khiến không khí ô nhiễm nhiều hơn. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 cũng nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5 đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể là từ đâu. Cần rà soát nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, những cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào. Theo ông Vinh, với những đô thị phát triển thì đương nhiên sẽ phát sinh bụi xây dựng nhưng nên có kiểm soát. Tăng trưởng nóng sẽ gắn với bụi xây dựng. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội cần được giám sát chặt chẽ.
Ông Thành dẫn chứng gần đây nhất, TP New York của Mỹ đã tăng mức thu phí và không cho ôtô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông. UBND TP Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện việc này, qua việc giám sát, hy vọng TP sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn. Trong khi chờ đợi các biện giáp giảm ô nhiễm môi trường từ phía chính quyền, người dân cũng cần có những biện pháp tự bảo vệ mình.
Bộ Y tế khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151 - 200), cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.
Chi Linh