Cần công khai trách nhiệm các bên gây ô nhiễm môi trường
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức rất nghiêm trọng, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội cần có đầy đủ số liệu và cập nhật các nguồn thải, xác định rõ nguyên nhân, mức độ ô nhiễm; từ đó xây dựng kế hoạch xử lý, công khai trách nhiệm các bên gây ô nhiễm.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Hà Nội xác định nhiệm vụ cụ thể, ưu tiên biện pháp giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Đó là vận hành ổn định hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí; đôn đốc các địa phương xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ và đốt rác thải; điều tiết, phân luồng giao thông tại nút giao thông ùn tắc...
Hà Nội đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số VN-AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 giảm khoảng 20% so với năm 2019, tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu; thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân chủ động ứng phó, tránh việc sử dụng nguồn thông tin chưa đầy đủ cơ sở khoa học, gây tâm lý hoang mang dư luận.
Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần triển khai đồng bộ giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, trong đó cần chú trọng triển khai đề án giao thông thông minh; sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng. Đồng thời hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, phát triển thêm hệ thống tàu điện trên cao, vừa giúp giảm lượng khí thải, vừa cải thiện chất lượng không khí…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong thu gom, tập kết và vận chuyển rác thải, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các quận, huyện phải xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, tránh các giờ cao điểm…
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) tại Thủ đô nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Dự kiến, từ năm 2025, Hà Nội áp dụng thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Dự thảo đưa ra 5 tiêu chí để xác định vùng phát thải thấp, đây cũng là các vùng dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Những khu vực được xác định vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế để giảm ô nhiễm không khí.
Theo kế hoạch, vào năm 2030, Hà Nội phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận; đồng thời sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ôtô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi. Cùng với đó là chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện. Bên cạnh đó, Hà Nội dự kiến đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).
Có thể thấy, với các giải pháp đồng bộ trên, Hà Nội đang nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời Hà Nội mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan để xây dựng thành phố xanh, sạch, lành mạnh.
Hợp tác liên vùng liên ngành
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để nghị cần có giải pháp tổng thể để giảm các nguồn gây ô nhiễm, trong đó có các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu. Đây là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân và phải có những hành động cụ thể, kịp thời.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính; cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã huy động các nguồn lực và tiếp cận các phương pháp dự báo chất lượng môi trường không khí tiên tiến trên thế giới, như mô hình dự báo chất lượng không khí CMAQ (Mỹ), SILAM (châu Âu, Phần Lan). Đến nay, Cục đã xây dựng và công bố bản tin nội bộ dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn trong 24 - 48 giờ trên phạm vi toàn quốc và theo 6 vùng kinh tế - xã hội; xây dựng bản tin Dự báo nội bộ chất lượng không khí cho 2 ngày tiếp theo tại 6 vùng kinh tế và các tỉnh thành phố trên toàn quốc. Cục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tích hợp để tăng dày các nguồn dữ liệu phục vụ công tác dự báo chất lượng không khí, hướng tới hoàn thiện Hệ thống dự báo chất lượng môi trường có độ chính xác cao và công bố kết quả dự báo chất lượng môi trường trên các phương tiện truyền thông.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất một số giải pháp bao gồm kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trước khi đưa vào lưu hành cũng như các loại xe cơ giới đang lưu hành; kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.
Ngành Y tế đã xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe; xây dựng “Sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe” bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông; xây dựng “Sổ tay hướng dẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí” (do Bệnh viện Nhi Trung ương, Cục Quản lý môi trường y tế và tổ chức Live & Learn phối hợp thực hiện) hỗ trợ cán bộ y tế đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí dựa trên các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức rất xấu
Với quyết tâm kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tiến tới hạn chế ô nhiễm không khí cũng để thực hiện đồng bộ Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, ngày 12/12/2024, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Dự thảo nghị quyết xây dựng “Vùng phát thải thấp” (LEZ).
Căn cứ vào một trong các tiêu chí quy định và các điều kiện xây dựng “Vùng LEZ” được nêu ra tại Nghị quyết, UBND thành phố sẽ giao từng quận huyện lập đề án “Vùng phát thải thấp” phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương mình để trình thành phố phê duyệt, thực hiện. Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp được UBND thành phố báo cáo và cơ quan thẩm tra đồng thuận là theo 2 giai đoạn. Cụ thể, từ năm 2025 đến 2030, thành phố thực hiện thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; cùng với đó, khuyến khích các quận trong khu vực nội đô lịch sử lập vùng phát thải thấp. Từ năm 2031, các khu vực trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết sẽ thực hiện vùng phát thải thấp.
Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng và Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê đều thống nhất cho rằng, cần có những giải pháp từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, quản lý từng nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả các biện pháp chống ô nhiễm không khí, việc nâng cao nhận thức của người dân cần được đặt lên hàng đầu. “Đây là phương án thoát hiểm hiệu quả nhất đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe khỏi các tác hại của ô nhiễm không khí. Cần có một đường dây nóng để người dân liên hệ khi gặp vấn đề về ô nhiễm không khí", GS.TS Hoàng Anh Lê nói.
Văn Ngân/VOV.VN