Giải pháp nào phòng, chống sạt lở, lũ quét?

Giải pháp nào phòng, chống sạt lở, lũ quét?
8 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Đứng ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu cho biết, về mặt địa chất, phần lớn diện tích khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa thường chứa các khoáng vật sét thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn, nên khi có nước dễ biến dạng và tan rã.
Mùa hè năm nay, miền Bắc từng chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 - 7/2024), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo là các đợt mưa dài ngày liên tiếp của tháng 8 và hoàn lưu cơn bão số 3, cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu, nay gặp nước sẽ chảy nhão như bùn. Các mái dốc khi gặp các điều kiện bất lợi kể trên sẽ sụp đổ vùi lấp chân mái dốc.
Về lũ quét, sẽ xảy ra khi tồn tại 2 yếu tố đồng thời: Tồn tại đất đá bở rời kém gắn kết trên đường đi của dòng chảy; và xuất hiện dòng chảy với tốc độ đủ lớn để cuốn trôi những đất đá này theo. Sau một đợt mưa kéo dài, đất đá sườn núi sạt lở xuống lòng suối, dồn ứ lại tạo thành đập tự nhiên, tạo thành hồ trên núi. Khi tiếp tục có mưa dài, lượng nước tích tụ ngày càng nhiều gây vỡ đập, tạo dòng lũ với hỗn hợp nước, bùn, đá và cây cối chảy xiết phá hủy tất cả những vật cản trên đường đi của dòng lũ.
Để cảnh báo tai biến sạt lở, lũ quét và các thiên tai địa chất khác, chúng ta đã có các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai, chỉ ra các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai ở các cấp độ khác nhau, tuy nhiên chưa chỉ ra được thời gian khi nào xảy ra. Sau một số vụ việc như sạt lở trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến nhiều người thương vong, công tác phòng, chống thiên tai địa chất ngày càng được tập trung tuyên truyền, nhưng tiếc rằng một số sự việc tương tự vẫn diễn ra, thiệt hại về nhân mạng và tài sản vô cùng nghiêm trọng.
Vì vậy, vấn đề hiện nay, là giải pháp cụ thể nào phòng, chống thiên tai địa chất? Hiện có nhiều công nghệ, phương pháp cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai địa chất, nhưng thường có tác dụng tốt ở quy mô hẹp. Có thể lắp đặt thiết bị quan trắc tự động ghi đo sự dịch chuyển của khối trượt cảnh báo sớm sạt lở. Nhưng hạn chế của phương pháp này là Việt Nam có vô vàn mái dốc, sườn núi có nguy cơ sạt lở, không thể đủ kinh phí, nhân lực thực hiện công việc này. Mặt khác, ở nhiều nơi không có sóng điện thoại di động, không có internet, không có hệ thống điện thì công tác truyền tín hiệu phân tích cảnh báo cũng không thể thực hiện được.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho biết, trước mắt, cần đưa ra cảnh báo sớm đơn giản cho bà con về sạt lở, đó là khi quan sát thấy các khe nứt xuất hiện trên đỉnh mái dốc, trong thân mái mà có nước đục chảy ra, cần di dời ngay ra khỏi mái dốc vì mái dốc sắp sụp đổ. Với lũ quét, là vào mùa mưa, quan sát mực nước suối đang bình thường, nhưng tự nhiên mực nước cạn bất thường; hoặc nước suối tự nhiên trở nên đục bất thường, thì đó là dấu hiệu lũ quét sắp xảy ra, cần di dời ngay.
Để giảm thiểu thiệt hại, các địa phương cần có thống kê tới cấp thôn, bản về số lượng các mái dốc, con suối có nguy cơ gây ra sạt lở, lũ quét; chỉ ra hướng rủi ro thiên tai đến, hướng thoát hiểm và phương án tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra; quy hoạch các vùng dân cư tránh sạt lở, lũ quét.
Về sâu xa, phải chú ý tới hoạt động kinh tế phát triển bền vững, cân bằng lợi ích kinh tế và sự ổn định của môi trường tự nhiên. Nói cách khác, trồng thêm rừng, giữ rừng, hạn chế tác động vào núi rừng là biện pháp phòng, chống thảm họa địa chất từ gốc rễ.
Huỳnh Ngọc Hiếu
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/giai-phap-nao-phong-chong-sat-lo-lu-quet-post526166.html