Các lao động của huyện Trạm Tấu học nghề tại Công ty Cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch TTLC
Mới đây, UBND huyện Trạm Tấu ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đưa lao động huyện đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030. Đây được coi là "đòn bẩy" giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Khang A Chua – Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu.
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện thời gian qua?
Đồng chí Khang A Chua: Xác định xuất khẩu lao động vừa giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương, những năm qua, Thường trực Huyện ủy, HĐND và UBND huyện quan tâm, chỉ đạo, xem công tác xuất khẩu lao động là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng năm.
Huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều đổi mới, bằng nhiều kênh thông tin và nhiều hình thức tư vấn như: mở hội nghị tư vấn tại cơ sở, tư vấn trực tiếp cho gia đình và người lao động, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và kết hợp giữa các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương các xã, thị trấn. Từ đó, tạo chuyển đổi về nhận thức và sự tin tưởng của người dân về công tác xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu tiếp cận với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện đã phối hợp tích cực với các công ty và doanh nghiệp tuyển chọn lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đến sơ tuyển, khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện. Người lao động được hỗ trợ thêm từ phía các công ty và doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cơ quan chuyên môn của huyện để làm các thủ tục ban đầu được thuận lợi. Các cơ quan của huyện: Ngân hàng Chính sách xã hội, Công an huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Y tế huyện đã có nhiều giải pháp linh hoạt, hỗ trợ cho lao động đảm bảo các thủ tục, hồ sơ để đi xuất khẩu lao động.
Năm 2024, trên địa bàn huyện có 31 công ty tham gia tư vấn và tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các công ty tổ chức trên 20 đợt tư vấn cho trên 500 lao động của các xã, thị trấn về các thị trường lao động ngoài nước như: Đài Loan, Nhật Bản...
Đến nay, toàn huyện đã có 25 lao động tham gia xuất khẩu. Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện thường xuyên liên lạc và trao đổi với các công ty và doanh nghiệp tham gia tuyển, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để kịp thời tuyển chọn và giải quyết những khó khăn, thắc mắc của người lao động.
Đồng chí Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu
PV: Đồng chí có nhận định gì về tác động của Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030 đối với công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
Đồng chí Khang A Chua: Căn cứ vào Đề án của tỉnh, huyện đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 20/8/2024 của UBND huyện Trạm Tấu về việc thực hiện Đề án đưa lao động của huyện đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030. Thông qua Đề án đã tăng cường triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Trung ương và của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động có hoàn cảnh khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thông qua Đề án cũng thể hiện sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch thực hiện Đề án đưa lao động huyện Trạm Tấu đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2024-2030. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội và người lao động trong việc triển khai thực hiện.
P.V: Để thực hiện hiệu quả Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2024 - 2030, huyện Trạm Tấu có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Khang A Chua: Để thực hiện hiệu quả Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trạm Tấu nói riêng đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 – 2030, huyện đã đưa ra 4 giải pháp chính.
Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác này. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài các cấp (cấp huyện, cấp xã).
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Huyện xây dựng và duy trì chuyên mục "Thanh niên tham gia xuất khẩu lao động” bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc phát sóng trên đài truyền thanh và Trang Thông tin điện tử huyện; xây dựng các tin, bài, phóng sự về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nội dung tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển chọn lao động người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các quy định pháp luật của nước sở tại; quyền và lợi ích của người lao động khi làm việc ở nước ngoài... để thông tin đến được gần, sát với người lao động.
Thứ ba: Triển khai các hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động; đào tạo nghề kết hợp với đào tạo ngoại ngữ, hợp tác đào tạo giữa các trường cao đẳng nghề với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài; các hoạt động kết nối, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín, hoạt động hiệu quả được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu tăng cường tổ chức các hội nghị, hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động cho người lao động, bộ đội xuất ngũ tại 12/12 xã, thị trấn. Đồng thời, tuyển chọn lao động có nhu cầu, thực hiện thí điểm đặt hàng cho học viên học nghề, ngoại ngữ nhằm tạo nguồn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để nhân rộng trong những năm tiếp theo; kết nối hỗ trợ người lao động đăng ký nhu cầu, tham gia đào tạo nghề, ngoại ngữ, triển khai các chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu và hỗ trợ vay vốn tín dụng.
Thứ tư: Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trong việc chấp hành pháp luật về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về điều kiện hoạt động, tuyển chọn lao động, thu phí, quản lý, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động khi tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Chi (thực hiện)