Giải phóng không gian quanh Hồ Gươm: Cơ hội phát triển công trình ngầm đô thị

Giải phóng không gian quanh Hồ Gươm: Cơ hội phát triển công trình ngầm đô thị
15 giờ trướcBài gốc
Khu vực chung quanh Hồ Gươm thu hút nhiều hoạt động đô thị, mang theo hy vọng đầu tư mở rộng không gian ngầm tại đây sẽ cung cấp nhiều không gian dịch vụ thương mại. Ảnh: Báo Hà Nội Mới
Khai thác hiệu quả khu vực chung quanh Hồ Gươm
Khu vực chung quanh Hồ Gươm thu hút nhiều hoạt động đô thị, mang theo hy vọng đầu tư mở rộng không gian ngầm tại đây sẽ cung cấp nhiều không gian dịch vụ thương mại, mang lại thu nhập cao, sẽ thu hút đầu tư tư nhân.
Đi cùng với việc giải phóng mặt bằng, nhiều đề xuất làm các công trình ngầm tại khu vực này đã được công bố nghiên cứu. Do có tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo) chạy qua nên vị trí ga ngầm C9 đã được bàn thảo, cân nhắc vị trí tối ưu.
Dưới phố Đinh Tiên Hoàng có tuyến đường sắt đô thị ngầm dài 1.000m, đi qua khu vực 21.000m2 không gian Đông Hồ Gươm mới giải phóng mặt bằng, rất có tiềm năng tạo ra kết nối không gian mặt đất với không gian ngầm nhằm bổ sung không gian công cộng mặt đất, sẽ cung cấp các dịch vụ khu vực tập trung hoạt động đông người. Ví dụ: vệ sinh công công, dịch vụ cứu hộ cứu nạn, hồ điều hòa trữ nước sạch khi ngập úng và điều tiết nước mặt hồ Hoàn Kiếm, tạo các cột nước làm mát khu vực công cộng, bể nước phòng hỏa cho các công trình ngầm và nổi trong khu vực.
Với không gian rộng 21.000m2 khu Điện Lực sẽ thuận lợi cho thông gió, chiếu sáng tự nhiên, kết nối thông gió chiếu sáng tự nhiên từ mặt đất tới các tầng ngầm sâu -17m đến -21m. Thành phố Osaka (Nhật Bản) đã bắt đầu xây nhà ga ngầm từ năm 1930 và phát triển các tổ hợp ngầm đô thị từ 1960. Khu phố ngầm UMEDA (Osaka) kết nối các ga ngầm với đường sắt đô thị trên cao, mặt đất với nhau. Công viên Kyobashi kết nối mặt đất với các tầng hầm của phố ngầm, dẫn tới các tầng ngầm của các tòa nhà quanh nhà ga trung tâm Osaka - nơi xuất phát tuyến tàu cao tốc (Shinkansen) nối Osaka tới Tokyo. Nguồn: Hanoidata & City Solution
Việc duy trì vận hành không gian ngầm vốn tốn kém để thông gió, điều hòa, PCCC. Do vậy, phát triển không gian thương mại dịch vụ du lịch cần tính toán cân nhắc mới đạt được hiệu quả đầu tư.
Song Hồ Gươm là nơi có tiềm năng không gian ngầm lớn (khoảng 54.000m2), bao gồm 21.000m2 Đông Hồ Gươm + 12.000m2 Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục + 21.000m2 (lòng đường Đinh Tiên Hoàng dài 700m, rộng 50m). Ưu tiên không gian ngầm của hai làn đường sắt đô thị rộng 8.000m2 (1.000m x 8m) và 4.500 m2 ga ngầm C9. Ước tính chi phí đào mỏ nhà ga và thi công tunnel ngầm khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng). Bởi vậy, nếu kết hợp nhiều chức năng sử dụng, không gian ngầm sẽ chia sẻ, giảm giá thành đầu tư đường sắt đô thị ngầm.
Tối ưu về kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, vận hành công trình ngầm đô thị
Xây dựng các công trình ngầm luôn phức tạp, dẫn tới chi phí cao. Từ năm 2012 Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã lập bảng so sánh chi phí xây dựng một chỗ đỗ xe ngầm có giá thành từ 755 triệu đồng/lot lên đến 5,7 tỷ đồng, chênh lệch 7,56 lần, tùy thuộc vào việc xây dựng đơn chức năng hay kết hợp đa chức năng.
Như vậy, nếu xây dựng công trình nhà ga, tuyến đường sắt đô thị ngầm kết hợp với khai thác không gian ngầm đa chức năng như nhà kho, trung tâm phân phối hàng hóa, thương mại dịch vụ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (đường dây, đường ống, bể ngầm dự trữ nước sạch kết hợp PCCC hay tiêu thoát ngập úng, điều tiết khô hạn đô thị…) sẽ giúp chia sẻ chi phí đầu tư xây lắp cũng như vận hành, bảo trì duy tu.
Đi tiếp 500 m về phía Nam Hồ Gươm là Ga C10 tuyến đường sắt đô thị số 2 cắt ngang qua ga ngầm S13 của tuyến đường sắt đô thị số 3 (ngã tư phố Hàng Bài - Trần Hưng Đạo). Cote sàn ga S13 là -17m trong khi sàn ga C10 là -24m. Với không gian đường phố Hàng Bài là một chuỗi siêu thị, tòa nhà văn phòng cao tầng và chung cư cao cấp, các tòa nhà đều có 2-3 tầng hầm, khả năng kết nối phố ngầm với các tòa nhà ngầm này sẽ đem lại nhiều lợi ích về kết nối không gian, tối ưu hóa hệ thống thông gió, chiếu sáng tự nhiên cũng như cưỡng bức, liên thông hệ thống PCCC lẫn cứu hộ cứu nạn.
Công trình ngầm đô thị hiện đại nhiều chức năng sẽ giám chi phí xây lắp vốn đòi hỏi đầu tư lớn từ nhiều nguồn. Đa chức năng/ đa sở hữu: vận hành quản trị sẽ rất phức tạp – chỉ có thể đáp ứng bởi công nghệ số hiện đại. Nguồn Hanoidata & City Solution
Việc phát triển không gian ngầm trong trung tâm đô thị có giá đất cao luôn hứa hẹn khả năng khai thác thương mại có giá trị hơn những khu vực bên ngoài có giá đất thấp hơn.
Ga C10 và ga ngầm S13 tại ngã tư phố Hàng Bài - Trần Hưng Đạo. Nguồn: Internet.
Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công trình ngầm đô thị
Việt Nam đang từng bước xây dựng văn bản pháp luật, quy chuẩn quy phạm kỹ thuật công trình ngầm đô thị và đang xin ý kiến các bộ ngành, trình cấp thẩm quyền phê chuẩn… Trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện thì việc lập Quy hoạch công trình ngầm trong đô thị sẽ không có giá trị thực tế. Bài học đến từ nhiều quốc gia đã cho thấy phát triển các công trình ngầm cũng đồng thời phát triển công-kỹ nghệ từ thủ công đến tự động hóa, điện tử số hóa toàn diện.
Gần 100 năm lịch sử phát triển các tuyến đường sắt đô thị ngầm tại các thành phố trên thế giới cho thấy các không gian ngầm dưới mặt đất ngày càng sâu, không gian ngày càng lớn. Các tầng càng sâu ưu tiên cho tàu tốc độ càng cao, để lại mặt đất dành cho con người hoạt động, còn không gian bầu trời cho phương tiện di chuyển của tương lai.
Phát triển theo chiều sâu và mở rộng theo chiều dọc. Nguồn: Hanoidata & City Solution biên tập từ tài liệu do các đồng nghiệp Nhật Bản & Hàn Quốc cung cấp.
Tổng công ty Vận tải khu vực thủ đô quốc gia (NCRTC - Ấn Độ) đã tới TP. Hà Nội chia sẻ những công cụ hiện đại trong triển khai những dự án ngầm nổi quy mô lớn, trong đó có ứng dụng công nghệ quản trị thông tin xây dựng tích hợp (Building Information Management - BIM) từ giai đoạn lập quy hoạch đến thiết kế, xây dựng và khai thác công trình cũng như điều phối hoạt động vận chuyển đa phương thức với quản lý bãi đỗ xe.
Việc ứng dụng BIM còn hỗ trợ quản lý hoạt động các tòa nhà và phân đoạn đầu tư xây dựng đô thị. Họ còn ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) để xác định giá trị bất động sản gia tăng quanh các nhà ga – cơ sở để khai thác, thu hồi vốn đầu tư những dự án lớn.
Trích bài trình bày của NCRTC - Ấn Độ tại Hà Nội. Nguồn: Hanoidata & City Solution biên tập
Viêt Nam phát triển công trình ngầm đô thị chậm hơn các quốc gia khác nhưng có lợi thế học hỏi nhiều từ các thành công về kỹ thuật, pháp lý và giải pháp tài chính đầu tư khai thác tân tiến, hiệu quả. Hà Nội cũng đã có những công trình đường sắt ngầm, tuy vậy vẫn phụ thuộc vào tiền vốn và kỹ thuật nhập khẩu. Không gian ngầm quanh Hồ Gươm chính là cơ hội để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung khởi động những bước đi đầu tiên làm chủ công kỹ nghệ phát triển công trình ngầm đô thị hiện đại.
Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/giai-phong-khong-gian-quanh-ho-guom-co-hoi-phat-trien-cong-trinh-ngam-do-thi-48135.html