Khám bệnh cho người cao tuổi tại Phòng khám Đa khoa khu vực Thuận Giao, TP.Thuận An
Mô hình không còn phù hợp với xu thế
Hiện Bình Dương có 18 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) đang hoạt động lồng ghép chung với trạm y tế. Dựa trên các báo cáo kết quả hoạt động của các PKĐKKV tại Bình Dương trong giai đoạn 2019-2023, cho thấy mô hình này đang gặp nhiều bất cập và không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Cụ thể về nhân lực, hầu hết các PKĐKKV chỉ có từ 2-3 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đa khoa hoặc nội khoa, không có bác sĩ phụ trách khám, chữa bệnh (KCB) các chuyên khoa khác như Ngoại, Sản, Nhi. Cận lâm sàng thiếu nhân sự có trình độ chuyên môn; không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc kỹ thuật viên có trình độ cử nhân trở lên. Theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP về cơ cấu nhân sự trong cơ sở KCB, thì các PKĐKKV không đáp ứng được nhân lực yêu cầu tối thiểu.
Hệ thống các PKĐKKV trên địa bàn tỉnh hiện được trang bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo danh mục được cấp phép. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy nhiều trang thiết bị không được sử dụng hiệu quả, nguyên nhân là lượng bệnh nhân đến khám thấp, dẫn đến công suất hoạt động thấp hơn nhiều so với khả năng thực tế của cơ sở.
Các PKĐKKV có đầy đủ máy xét nghiệm, siêu âm, X-quang, nhưng do số lượng bệnh nhân đến khám thấp nên nhiều thiết bị không hoạt động thường xuyên, thậm chí một số trang thiết bị không có nhu cầu sử dụng. Do không có đủ bác sĩ chuyên khoa và thiếu nhân viên kỹ thuật có trình độ, một số danh mục kỹ thuật cận lâm sàng không thể triển khai, dẫn đến thiết bị y tế không được khai thác tối đa. Một số PKĐKKV được xây dựng từ lâu, trong khi một số cơ sở mới hơn có trang thiết bị hiện đại hơn nhưng lại không phát huy hết hiệu quả do hạn chế về nhân lực.
Bác sĩ CKI Phan Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “TP.Thuận An hiện có 6 PKĐKKV. Các PKĐKKV có giường bệnh nhưng không có bệnh nhân nội trú. Lượng bệnh nhân đến KCB hàng năm rất ít, chủ yếu là các bệnh thông thường thuộc chuyên khoa Nội, Nhi, Y học cổ truyền. Do hạn chế về nhân lực và danh mục kỹ thuật, các ca bệnh phức tạp thường được chuyển lên tuyến trên. Một số PKĐKKV hoạt động lồng ghép cơ sở với trạm y tế trong khi phạm vi hoạt động chuyên môn không có sự khác biệt. Điều này làm phân tán nguồn lực, khiến cả hai bộ máy hoạt động kém hiệu quả”.
Tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa nguồn lực
Trước đây, PKĐKKV được thành lập đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân khi hệ thống y tế tuyến cơ sở chưa phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, với sự phát triển của trung tâm y tế và mạng lưới trạm y tế xã, phường, thị trấn, vai trò của PKĐKKV dần trở nên không còn phù hợp.
Theo Nghị định số 120/2020/ NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ, PKĐKKV không phải là đơn vị sự nghiệp công lập độc lập mà là bộ phận cấu thành trong cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế. TS.Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Chấm dứt hoạt động PKĐKKV không phải là giải thể một đơn vị sự nghiệp công lập, mà là một giải pháp tổ chức lại, sắp xếp hợp lý hệ thống y tế địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả”.
Cũng theo ông Chương, nhiều PKĐKKV đang gặp khó khăn trong việc thu hút bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao; không đủ điều kiện triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Trong khi đó hoạt động của các PKĐKKV không bảo đảm duy trì bền vững theo cơ chế tự chủ.
Thời gian qua, sự chồng chéo trong hệ thống y tế giữa PKĐKKV và trạm y tế xã, phường, thị trấn gây trùng lặp chức năng KCB, làm giảm hiệu quả hoạt động của cả hai đơn vị. Các PKĐKKV chủ yếu thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như khám bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú, cấp cứu ban đầu. Trong khi trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng thực hiện chức năng tương tự, dẫn đến dư thừa đầu mối cung cấp dịch vụ mà không nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hơn nữa, các PKĐKKV chỉ có một số chuyên khoa cơ bản, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn như một bệnh viện đa khoa, nhiều bệnh nhân vẫn phải chuyển tuyến trên để tiếp tục điều trị. Nhân sự không đáp ứng phạm vi hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên khoa, khiến PKĐKKV không thể phát huy hết vai trò của mình.
“Việc tổ chức lại hệ thống y tế, sắp xếp lại các PKĐKKV là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân”, TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết.
Hiện Bình Dương có 18 phòng khám đa khoa khu vực đang hoạt động lồng ghép chung với trạm y tế. Dựa trên các báo cáo kết quả hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực tại Bình Dương trong giai đoạn 2019-2023, cho thấy mô hình không còn phù hợp với xu thế phát triển và đang gặp nhiều bất cập.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, việc tổ chức lại hệ thống y tế, sắp xếp lại các phòng khám đa khoa khu vực là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu thực tế của ngươìd ân.
KIM HÀ