Một vị phi tần. Ảnh từ sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ.
Trong thời gian qua, nhiều cuốn sách viết về kinh thành Huế nói chung và đời sống cung đình Nguyễn nói riêng của các tác giả người Pháp, người Pháp lai Việt và người Việt được dịch, xuất bản đã tiết lộ nhiều chuyện thâm cung bí sử ở chốn hậu cung của triều Nguyễn.
Thế giới sinh hoạt riêng biệt của vua Nguyễn
Có thể kể đến một số tác phẩm như: Một chiến dịch Bắc Kỳ của bác sĩ quân y Pháp Charles-Édouard Hocquard, Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaineau, Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ của nhà thám hiểm Pháp Marcel Monnier, Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của sử gia người Pháp Daniel Grandclémant, Đời sống trong Tử Cấm Thành và Đời sống cung đình triều Nguyễn” của tác giả Tôn Thất Bình, Vua Khải Định hình ảnh & sự kiện của Võ Hương An, Nam Phương hoàng hậu cuối cùng và Bảo Đại vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam của Lý Nhân Phan Thứ Lang, Chuyện triều Nguyễn của tác giả Bửu Kế, Chuyện các bà trong cung Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân…
Bên cạnh việc đề cập đời sống của vua và hoàng gia; thân phận, tâm tư của nhiều người chốn hậu cung từ cung phi, mỹ nữ, đến nữ quan, thái giám; hay việc phân chia ngôi thứ và việc thực hành vô số phép tắc phức tạp ở chốn hậu cung, các tác phẩm này còn cho cho biết về thế giới sinh hoạt riêng biệt của vua, trong đó có việc vua ban “hơi ấm” cho các cung phi, mỹ nữ mỗi đêm.
Theo sách Đời sống trong Tử Cấm Thành của tác giả Tôn Thất Bình, trung bình mỗi mỗi đời vua phải có trên 100 cung phi, mỹ nữ. Vua Gia Long có 21 bà hậu phi chính thức và hàng trăm cung phi. Vua Minh Mạng có 43 hậu phi chính thức, còn số cung phi gấp nhiều lần.
Còn theo sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard, ngay cả vua Tự Đức vẫn có tới 104 phi tần. Đó là chưa kể số thị nữ ở hậu cung của nhà vua bao gồm 579 người, cùng 455 a hoàn.
Vì số cung phi quá nhiều nên tùy theo đêm, nhà vua chấm cho thái giám một số cung phi vào hầu. Theo sách Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ của Marcel Monnier, phi tần chỉ được vào tẩm điện của vua khi có lệnh của ngài.
Khi đó, thái giám chuyên trách truyền lệnh theo cách sau: ở lối vào hậu cung dựng một cái chòi, trong chòi treo khung chứa thẻ bài bằng ngọc khắc tên các phi tần. Thái giám im lặng lật một thẻ bài, và nhóm cung nữ lập tức đi tìm người được chọn. Phi tần nọ được tắm rửa, xức dầu thơm, quấn lụa vàng, rồi được đưa đến chỗ vua. Việc này được trưởng nhóm thái giám ghi chép vào sổ, chi tiết đến ngày giờ.
Hình ảnh một phi tần của vua Nguyễn, trích từ phim "Indochine" (Đông Dương), 1992, của đạo diễn Régis Wargnier.
Giai thoại chiếc xe dê kéo qua các buồng cung phi
Còn sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của Daniel Grandclémant thì cho biết, có giai thoại rằng, để lựa chọn cung phi vào hầu “chăn gối” cho nhà vua, thái giám đôi khi còn dùng một chiếc xe dê kéo vua ngồi trên, đi qua các buồng cung phi ở, hễ con dê đứng ở cửa buồng nào thì đêm đó cung phi ở buồng đó coi như gặp “số đỏ” và thái giám sẽ đưa vào cho vua. Vì lẽ thế, để được hưởng đặc ân của vua, các cung phi có thói quen làm các bó lá dâu treo trước cửa để lôi kéo dê đứng lại trước buồng mình...
Không phải người nào vua cũng biết mặt. Có nhiều cung phi, dù được đưa vào hầu, nhưng vua cũng không cần nhìn dung nhan. Chỉ có viên thái giám là biết rõ tên tuổi cung phi nào tối nay được đưa vào cho nhà vua. Để tránh mưu sát, cung phi phải cởi hết quần áo, choàng người bằng tấm vải đỏ do thái giám đưa cho và viên thái giám ghi rõ tên tuổi cung phi, ghi ngày, thậm chí cả giờ “hầu” vua vào một tấm thẻ tre để kín đáo trên bàn ăn của nhà vua.
Daniel Grandclémant cũng cho biết, có ông vua yêu cầu nhiều cung phi trong một đêm, hoặc “phục vụ” lần lượt, hoặc cùng một lúc. Tương truyền vua Minh Mạng mỗi đêm chọn năm cung phi vào hầu, mỗi canh một người, với hy vọng ít nhất ba người sẽ mang thai.
Vì vậy, để danh sách cung phi vào đêm nào được cập nhật trong sổ sách để khi có mang sẽ không nhầm lẫn, nghi hoặc, thái giám có nhiệm vụ chuyển danh sách năm cung phi ấy cho Tôn nhơn phủ; phủ này lại chuyển một danh sách khác cho Quốc sử quán. Sau này, khi người nào mãn nguyệt khai hoa, Quốc sử quán có trách nhiệm rà soát, đối chiếu xem thử từ ngày vua “đòi” đến kỳ sinh nở có đúng ngày đúng tháng không.
Theo truyền thống và tục lệ, mỗi đêm, vua chọn một bà trong số cung phi, mặc dù lượt các bà phi chính thức đến nhanh hơn.
Thường thì người nào được vua yêu sẽ được gọi nhiều lần hơn. Cũng có người suốt trong thời gian ở Tử Cấm Thành chẳng được gọi lần nào. Điều này cho thấy một khía cạnh thân phận của cung phi.
Minh Châu