Lưu giữ bức tranh văn hóa đa sắc

Lưu giữ bức tranh văn hóa đa sắc
5 giờ trướcBài gốc
Vùng đất di sản
Đồng bào DTTS đóng góp 3 di tích cấp quốc gia (trong tổng số 90 di tích được xếp hạng toàn tỉnh), gồm: Chùa Ông Bắc của DTTS Hoa (TP. Long Xuyên), thánh đường Hồi giáo Mubarak của DTTS Chăm (TX. Tân Châu), chùa Svayton của DTTS Khmer (huyện Tri Tôn). Ngoài ra, còn có 2 di tích cấp tỉnh, gồm: Chùa Snaydonkum, chùa SvayTaNấp. Các di tích đều được quản lý, trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định, trong đó có nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương.
An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng đã có đến 6 di sản văn hóa phi vật thể của DTTS Khmer và Chăm. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Hội đua bò Bảy Núi”, “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông” của đồng bào DTTS Khmer. Hiện, 23 xã đông đồng bào DTTS đã có nhà văn hóa (hoặc trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa). Các đội văn nghệ gia đình, đội Ngũ âm, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian trình diễn Dì Kê của đồng bào DTTS Khmer được hình thành ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, thu hút hàng chục nghệ nhân tham gia.
Nghi lễ vòng đời đồng bào Chăm Islam huyện An Phú và TX. Tân Châu được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023
Theo UBND tỉnh, công tác bảo tồn giá trị văn hóa vật thể (công trình kiến trúc, công cụ lao động và sinh hoạt tiêu biểu, không gian văn hóa...), bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể (trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực...) được tỉnh quan tâm bằng nhiều hình thức. Hàng tỷ đồng được dùng để đầu tư kinh phí trùng tu chống xuống cấp cho di tích lịch sử văn hóa xếp hạng trong tỉnh (hơn 5 tỷ đồng); lập hồ sơ đề nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh 4 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm: Nghệ thuật trình diễn Dì Kê xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn; Nghi lễ vòng đời đồng bào Chăm Islam huyện An Phú và TX. Tân Châu; nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm xã Châu Phong, TX. Tân Châu; nghề làm đường thốt nốt đồng bào Khmer huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên). Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho hòa thượng Chau Ty (khắc chữ trên lá buông) và 3 nghệ nhân ưu tú DTTS Khmer. Tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer và đồng bào dân tộc Chăm định kỳ 2 năm/lần. Hàng năm, tổ chức Hội đua bò Bảy Núi của đồng bào DTTS Khmer luân phiên giữa huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.
Đưa văn hóa vào du lịch
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS kết hợp nghiên cứu, khảo sát tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đưa vào tour du lịch kết hợp công trình kiến trúc - lịch sử; các yếu tố về văn hóa tâm linh, nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng DTTS Chăm, Hoa, Khmer được bảo tồn, khai thác trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Các ngành nghề thủ công mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc được đầu tư phát triển, tạo ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng cung ứng cho khách du lịch. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm gắn với tour, tuyến du lịch cho làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo; đào tạo, tập huấn 7 lớp kỹ thuật và đào tạo nghề (chế biến đường thốt nốt, dệt thổ cẩm, mộc gia dụng, thêu) cho 210 học viên…
Di tích lịch sử văn hóa được xem là sản phẩm du lịch, tuy nhiên vấn đề “thương mại hóa” di tích dẫn đến nhiều bất cập giữa bảo tồn và phát triển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến “giá trị vốn có” của di tích. Một số di sản văn hóa phi vật thể các DTTS đang đối mặt trước nguy cơ mai một, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ cho việc khôi phục di sản văn hóa truyền thống dân tộc, hỗ trợ nghệ nhân duy trì hoạt động nghệ thuật truyền thống. Việc khai thác tiềm năng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch còn hạn chế.
Ông Haji Abul Alim (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch làng Chăm An Giang) chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ấp ủ xây dựng một địa điểm như bảo tàng thu nhỏ, trong đó trưng bày vật phẩm, hình ảnh, phong tục, tập quán của DTTS Chăm. Khi du khách ghé làng Chăm, họ có nơi tham quan, tìm hiểu khái quát, sinh động, đầy đủ hơn. Để làm được điều đó, rất cần sự hỗ trợ, chung tay của nhiều cấp, ngành, chứ không thể chỉ riêng chúng tôi”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, thông qua HĐND tỉnh, An Giang kiến nghị Trung ương sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để hỗ trợ cho địa phương trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt liên quan đến đồng bào DTTS, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giữ được giá trị quý của di tích. Đồng thời, kiến nghị HĐND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
AN KHANG
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/luu-giu-buc-tranh-van-hoa-da-sac-a413896.html