Giải thưởng khoa học VinFuture 2025 nhận 1.705 đề cử toàn cầu

Giải thưởng khoa học VinFuture 2025 nhận 1.705 đề cử toàn cầu
9 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Giải thưởng chính VinFuture 2024 cho các nhà khoa học. Ảnh: VinFuture.
Ngày 22/5, Ban tổ chức Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture cho biết vòng đề cử mùa thứ 5 đã chính thức khép lại, tiếp nhận tổng cộng 1.705 hồ sơ từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số lượng đối tác đề cử chính thức năm nay đạt 14.772 đối tác, tăng hơn 12 lần so với con số 1.200 đối tác ở mùa giải đầu tiên. Trong số này, 7.240 người là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu lớn trên thế giới như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Stanford (Hoa Kỳ), Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Đại học Melbourne (Úc), Đại học Toronto (Canada) và Đại học Quốc gia Singapore (Singapore)...
Theo dữ liệu từ ban tổ chức, 1.395 trong tổng số đối tác đề cử năm nay (tương đương 9,4%) thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới, theo xếp hạng của Đại học Stanford.
Các đề cử năm 2025 tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống và phát triển bền vững toàn cầu, bao gồm: y học và chăm sóc sức khỏe (36,7%), năng lượng, giao thông và xây dựng (17,8%), môi trường và khoa học trái đất (17,8%), nông nghiệp và thực phẩm (11,3%).
Các đối tác đề cử đóng vai trò kết nối, giới thiệu những công trình khoa học có tác động tích cực đến đời sống, đồng thời góp phần lan tỏa thông tin về VinFuture tới cộng đồng khoa học toàn cầu. Họ tham gia trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ sự đồng thuận với mục tiêu của giải thưởng.
Năm 2024, từ đề cử của Giáo sư Monica Lam (Đại học Stanford), ông Jensen Huang, CEO kiêm đồng sáng lập Nvidia đã được trao Giải thưởng Chính VinFuture nhờ đóng góp trong lĩnh vực học sâu.
Vòng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture 2025 dự kiến diễn ra từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8. Hội đồng Sơ khảo gồm 10 thành viên sẽ xem xét và lựa chọn các đề cử nổi bật nhất để trình lên Hội đồng Giải thưởng. Các đề cử sẽ được đánh giá dựa trên quy trình xét duyệt độc lập, nghiêm ngặt, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, với các tiêu chí gồm: mức độ đổi mới khoa học - công nghệ, khả năng ứng dụng, tác động đến cuộc sống con người, quy mô và tính bền vững của dự án.
Sau 5 năm triển khai, Giải thưởng VinFuture đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế. Một số cá nhân từng nhận Giải thưởng VinFuture sau đó tiếp tục được xướng tên tại các giải thưởng lớn khác như: TS. Katalin Karikó, GS. Drew Weissman (Giải thưởng Chính VinFuture 2021, Giải Nobel Y học 2023), TS. Demis Hassabis, TS. John Jumper (Giải Đặc biệt VinFuture 2022, Giải Nobel Hóa học 2024), GS. Geoffrey Hinton (Giải thưởng Chính VinFuture 2024, Giải Nobel Vật lý 2024), GS. Yoshua Bengio, GS. Yann LeCun, GS. Geoffrey Hinton, ông Jensen Huang và GS. Fei-Fei Li (Giải thưởng Chính VinFuture 2024, Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth 2025), GS. Daniel Joshua Drucker, GS. Joel Francis Habener, GS. Jens Juul Holst, PGS. Svetlana Mojsov (Giải Đặc biệt VinFuture 2023, Giải thưởng Breakthrough 2025).
Thảo Ngân
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/giai-thuong-khoa-hoc-vinfuture-2025-nhan-1705-de-cu-toan-cau-41784.html