Vương Kiến, nhà nghiên cứu AI nổi tiếng Trung Quốc, đã kêu gọi tăng cường tích hợp công nghệ này vào việc khám phá không gian, khi ông chia sẻ tầm nhìn về kế hoạch xây dựng một chòm sao điện toán gồm 1.000 vệ tinh của Phòng thí nghiệm Chiết Giang với mục tiêu xử lý dữ liệu ngay trên quỹ đạo thay vì phụ thuộc vào hạ tầng mặt đất. Phòng thí nghiệm Chiết Giang là tổ chức được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.
“Bây giờ là thời điểm thích hợp để nghĩ đến việc đưa AI vào không gian, chứ không chỉ nằm trong laptop hay điện thoại di động của bạn”, Vương Kiến, người sáng lập đơn vị điện toán đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc), phát biểu tại hội nghị công nghệ Beyond Expo diễn ra ở Ma Cao hôm 22.5.
“Không gian một lần nữa trở thành ranh giới để chúng ta suy nghĩ về những gì có thể làm trong 10, 20 hay 50 năm tới. Chúng ta không muốn AI vắng mặt trong không gian”, ông nói thêm.
Vương Kiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm Chiết Giang và người sáng lập Alibaba Cloud, phát biểu tại lễ khai mạc Beyond Expo 2025 - Ảnh: Handout
Ngày 14.5, Trung Quốc đã phóng lô 12 vệ tinh đầu tiên trong dự án chòm sao điện toán không gian của mình lên quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 2D từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. 12 vệ tinh này là một phần của chòm sao điện toán Tam thể do Phòng thí nghiệm Chiết Giang phát triển, với sứ mệnh thực hiện liên lạc laser xuyên quỹ đạo và quan sát thiên văn.
Được công bố lần đầu vào tháng 11.2024 tại Hội nghị Internet Thế giới ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, dự án Tam Thể đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng không gian nhằm nâng cao hiệu suất điện toán so với việc xử lý dữ liệu trên Trái đất. Mục tiêu cuối cùng là đạt được tổng năng lực điện toán 1.000 petaflop.
Nói cách khác, dự án Tam Thể muốn xử lý dữ liệu ngay trên quỹ đạo bằng hệ thống siêu máy tính thay vì gửi dữ liệu từ vệ tinh về mặt đất, giúp tăng tốc, giảm độ trễ và nâng cao khả năng xử lý dữ liệu khối lượng lớn.
Petaflop là đơn vị đo lường hiệu suất điện toán của máy tính, đặc biệt là siêu máy tính. 1 petaflop = 1 triệu tỉ phép tính dấu chấm động mỗi giây.
Sự khác biệt của Tam Thể và Starlink
Phòng thí nghiệm Chiết Giang đặt mục tiêu mở rộng chòm sao lên 50 vệ tinh vào cuối năm 2025 với sự hợp tác của các đối tác toàn cầu.
Là thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc vào năm 2019, Vương Kiến đã giải thích tên gọi của dự án Tam Thể trong bài phát biểu mang tiêu đề “Điện toán vô tận, khám phá ranh giới vô hạn”.
Tên gọi Tam Thể ám chỉ đến "bài toán ba vật thể" nổi tiếng của nhà khoa học Isaac Newton. Đây là bài toán cổ điển trong vật lý và toán học liên quan đến việc dự đoán chuyển động của ba thiên thể tương tác với nhau thông qua lực hấp dẫn. Thuật ngữ này cũng truyền cảm hứng cho bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đoạt giải Hugo của nhà văn Lưu Từ Hân (Trung Quốc), đã được chuyển thể thành loạt phim truyền hình trên Netflix ra mắt năm ngoái.
Giải thưởng Hugo là một trong những giải thưởng văn học danh giá và uy tín nhất thế giới dành cho các tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng và kỳ ảo. Nó được đặt theo tên của Hugo Gernsback, người được mệnh danh là "Cha đẻ của khoa học viễn tưởng" vì sáng lập ra tạp chí khoa học viễn tưởng đầu tiên mang tên Amazing Stories năm 1926.
Cái tên Tam Thể tượng trưng cho sự phức tạp trong việc hợp tác giữa nhiều thực thể, theo Vương Kiến. Ông đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và liên ngành.
Vương Kiến phân biệt dự án Tam Thể với mạng lưới vệ tinh Starlink thuộc SpaceX (Mỹ) bằng cách nhấn mạnh tính cởi mở của nó. Ông cho biết sáng kiến của Trung Quốc cho phép các tổ chức khác nhau trên toàn thế giới xây dựng và sử dụng tài nguyên điện toán từ chòm sao này. “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng với chòm sao đó, mỗi vệ tinh đều phát huy được giá trị của mình”, nhà nghiên cứu AI nổi tiếng nói.
Bài phát biểu từ Vương Kiến đã nêu bật quá trình tiến hóa của công nghệ, từ máy tính đầu tiên, điện toán đám mây đến vệ tinh, như những phương tiện để mở rộng khả năng điện toán.
Ông nhấn mạnh rằng AI, trung tâm dữ liệu và bộ xử lý đồ họa (GPU) không phải là sự kết thúc của công nghệ. “Những gì chúng ta có hôm nay mới chỉ là khởi đầu cho một kỷ nguyên công nghệ mới”, Vương Kiến nói khi nhắc đến điểm Lagrange L5 như “nơi hoang sơ để khám phá”.
Trong cơ học thiên thể, L5 là một trong năm điểm Lagrange trong bài toán ba vật thể giới hạn. Nó đại diện cho vị trí cân bằng ổn định với một vật thể nhỏ bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của hai vật thể lớn hơn, chẳng hạn Trái đất và Mặt trời.
Trong phần hỏi đáp sau đó, Vương Kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của các công nghệ đột phá - sự đổi mới có thể khó hiểu lúc đầu nhưng cuối cùng sẽ xuất hiện. “Những thách thức khó khăn nhất luôn được để dành cho thế hệ trẻ”, ông nói và dẫn ví dụ về DeepSeek, công ty khởi nghiệp AI hàng đầu Trung Quốc.
“Tôi khuyến khích mọi người tiếp tục khám phá tiềm năng của các mô hình AI mà không cần quá lo lắng về khả năng hay giới hạn hiện tại. Đây là cách duy nhất để tiến về phía trước”, Vương Kiến tuyên bố.
Các ứng dụng chính của AI hiện nay trong không gian
AI đã được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều khía cạnh của ngành công nghiệp không gian và khám phá vũ trụ.
Tự hành và điều hướng
Robot tự hành: Các xe tự hành như Curiosity và Perseverance của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ) trên sao Hỏa sử dụng AI để điều hướng địa hình phức tạp, tránh chướng ngại vật và lập kế hoạch di chuyển một cách tự chủ, đặc biệt quan trọng khi có độ trễ trong liên lạc giữa Trái đất và sao Hỏa.
Điều hướng tàu vũ trụ: AI giúp các tàu vũ trụ tự động điều chỉnh quỹ đạo, hạ cánh chính xác hơn và tối ưu hóa việc sử dụng nhiên liệu.
Phân tích và xử lý dữ liệu
Dữ liệu thiên văn: Kính thiên văn và các thiết bị quan sát không gian tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. AI được dùng để sàng lọc, phân tích dữ liệu này, giúp các nhà khoa học phát hiện các vật thể thiên văn mới, nghiên cứu các hiện tượng vũ trụ và thậm chí dự đoán thời tiết không gian.
Phát hiện hành tinh ngoài hệ Mặt trời: AI có thể phân tích các mô hình ánh sáng và những thay đổi nhỏ để xác định các hành tinh tiềm năng ngoài hệ Mặt trời.
Giám sát và bảo trì
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS): AI được sử dụng cho công tác bảo trì dự đoán, giám sát tình trạng các hệ thống và linh kiện để đảm bảo ISS hoạt động an toàn và hiệu quả cho phi hành đoàn.
Tình trạng tàu vũ trụ: AI thu thập và phân tích dữ liệu từ xa để phát hiện các sự cố bất thường hoặc dấu hiệu hỏng hóc tiềm ẩn trước khi chúng trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Hỗ trợ phi hành gia và quản lý sứ mệnh
Hỗ trợ phi hành gia: AI có thể theo dõi sức khỏe của phi hành gia, cảnh báo về các mối nguy hiểm (chẳng hạn bức xạ) và thậm chí có robot tương tác bằng giọng nói (ví dụ CIMON trên ISS).
Lập kế hoạch sứ mệnh: AI hỗ trợ tối ưu hóa lịch trình, phân bổ tài nguyên và đưa ra quyết định quan trọng trong các sứ mệnh phức tạp.
Nghiên cứu và khám phá khoa học
AI giúp các nhà khoa học xử lý các mô hình phức tạp, chạy các thí nghiệm ảo và tạo ra các kịch bản mô phỏng để hiểu rõ hơn về vũ trụ và các quy luật vật lý.
Sơn Vân