Bóng tối bao trùm đường phố ở Barcelona, Tây Ban Nha do mất điện trên diện rộng, ngày 28/4. Ảnh: THX/TTXVN
Vào lúc 12 giờ 33 phút chiều 28/4, nhiều khu vực tại Tây Ban Nha và một số vùng của Bồ Đào Nha đã chìm trong bóng tối. Sự cố bất ngờ khiến nhiều đoàn tàu hỏa bị mắc kẹt, sóng điện thoại và internet gián đoạn, máy ATM ngừng hoạt động, hàng loạt chuyến bay bị trì hoãn.
Ở thời điểm đó, Chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp. Công ty điện lực REN của Bồ Đào Nha xác nhận tình trạng mất điện trên toàn bộ Bán đảo Iberia, đồng thời lan sang cả một phần lãnh thổ Pháp. Trong suốt đêm 28/4, nhiều khu vực tại Madrid và Barcelona chìm trong bóng tối.
Kênh DW (Đức) cho biết đây được coi là một trong những sự cố tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu. Mặc dù đến ngày 29/4, hơn 99% lưới điện tại Tây Ban Nha và toàn bộ hệ thống điện tại Bồ Đào Nha đã được khôi phục, nhưng nhiều tuần sau đó, cuộc điều tra về sự cố mất điện vẫn đang được tiến hành.
Ngày 14/5, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Sara Aagesen, cho biết khu vực Granada là nơi đầu tiên xảy ra sự cố sập nguồn dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng ở nước này và quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha hôm 28/4. Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội, bà Sara Aagesen cho biết hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới sự cố. Cũng theo nữ Bộ trưởng, các điều tra viên đã loại trừ khả năng xảy ra tấn công mạng nhằm vào hệ thống điện công ty REE và cần có thêm thời gian để tìm đúng căn nguyên vấn đề.
Trong quá trình chờ đợi câu trả lời, một người đã lên tiếng đã chỉ trích việc Tây Ban Nha phụ thuộc quá lớn vào năng lượng tái tạo và làm bùng nổ cuộc tranh luận về kế hoạch loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào năm 2035.
Lỗi thuộc về năng lượng tái tạo?
Ùn tắc giao thông do mất điện diện rộng tại Tây Ban Nha ngày 28/4. Ảnh: IRNA/TTXVN
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của châu Âu và có mục tiêu đầy tham vọng. Tây Ban Nha dự kiến năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 81% điện năng của nước này vào năm 2030. Năm 2024, năng lượng tái tạo chiếm kỷ lục 56% điện năng của Tây Ban Nha và công suất năng lượng Mặt Trời tăng gần gấp đôi so với tốc độ của châu Âu.
Ngay trước khi xảy ra sự cố mất điện, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Tây Ban Nha, chủ yếu là từ năng lượng Mặt Trời.
Do đó, các thành viên của đảng đối lập và những người ủng hộ năng lượng hạt nhân ám chỉ rằng việc Tây Ban Nha phụ thuộc quá mức vào năng lượng tái tạo là nguyên nhân dẫn đến sự cố. Tuy nhiên, cả nhà điều hành lưới điện của đất nước là Red Electrica de Espana và Thủ tướng Pedro Sanchez đều bác bỏ cáo buộc này. Điện hạt nhân hiện cung cấp khoảng 20% điện năng của toàn Tây Ban Nha.
Trong khi năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió phụ thuộc vào thời tiết, năng lượng hạt nhân lại có thể mang đến nguồn điện cơ sở tương đối liên tục. Tuy nhiên, Thủ tướng Sanchez đánh giá không có bằng chứng nào cho thấy lượng điện năng lớn hơn từ hạt nhân có thể ngăn chặn được sự kiện ngày 28/4.
Ông Rutger Schlatmann, lãnh đạo mảng năng lượng Mặt Trời tại trung tâm nghiên cứu Helmholtz Zentrum ở Berlin (Đức) chỉ ra thực tế rằng tỷ lệ năng lượng tái tạo cao trong lưới điện không phải là điều gì đó độc đáo mà đã xảy ra nhiều lần trước đây.
Đầu tháng trước, Tây Ban Nha ghi dấu mốc quan trọng khi toàn bộ nhu cầu điện vào một ngày làm việc được cung cấp hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Ông Schlatmann cũng bổ sung rằng các quốc gia như Đức cũng từng ghi nhận tỷ lệ điện năng lượng tái tạo cao trong khi vẫn là một trong những hệ thống điện ổn định nhất trên thế giới.
Cải thiện ổn định lưới điện
Các chuyên gia cho rằng tình trạng mất điện ở Tây Ban Nha là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề liên quan đến tính ổn định của lưới điện thay vì liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo.
Theo DW, lưới điện là hệ thống phức tạp nhất mà con người từng nghĩ ra, bao gồm mạng lưới chằng chịt gồm các máy phát điện, đường dây truyền tải và phân phối, tất cả đều cần được giữ cân bằng để hệ thống hoạt động hiệu quả.
Các nhà máy điện hạt nhân, than và khí đốt đều sở hữu máy phát điện bằng thép khổng lồ cung cấp khối lượng quay lớn, thường được gọi là quán tính, có thể duy trì sự ổn định nếu có biến động trong lưới điện.
Xe điện, chip, trí tuệ nhân tạo (AI) và điều hòa không khí đang góp phần thúc đẩy nhu cầu điện tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng ông Robert Pietzcker lạc quan: "Với hiểu biết về hệ thống hiện nay, bạn có thể thiết kế các hệ thống ổn định có khả năng phục hồi dựa trên năng lượng tái tạo".
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số tiền đầu tư vào lưới điện toàn cầu cần tăng gấp đôi vào năm 2030 lên hơn 600 tỷ USD/năm. Trong khi đó, khoản đầu tư hàng năm vào lưới điện vẫn gần như không đổi kể từ năm 2010, còn khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp đôi.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc