Tờ Washington Times đưa tin, các lãnh đạo cơ quan liên bang Mỹ đều bác bỏ yêu cầu của ông Musk buộc nhân viên phải báo cáo tuần nếu không sẽ bị sa thải.
Các nhà lãnh đạo tại Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tình báo Quốc gia và Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã yêu cầu nhân viên của họ bỏ qua sắc lệnh xuất phát từ tỷ phú, nhân viên chính phủ Elon Musk.
Người đứng đầu nhóm từ chối lệnh ông Musk là Giám đốc FBI Kash Patel. Ông đã chỉ đạo nhân viên cơ quan bỏ qua yêu cầu này.
Căng thẳng leo thang sau khi ông Elon Musk, với tư cách là người đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE), ra lệnh tất cả nhân viên liên bang phải báo cáo công việc tuần trước thông qua thư điện tử, với tối hậu thư: "Không phản hồi sẽ bị coi như từ chức".
Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) đã gửi thư điện tử yêu cầu nhân viên liệt kê "khoảng 5 điểm về những gì đã hoàn thành tuần qua" trước thời hạn 23h59 tối thứ Hai hàng tuần, theo giờ miền Đông nước Mỹ.
Tỷ phú Elon Musk- người đang được Tổng thống Donald Trump giao nhiệm vụ tinh giản bộ máy chính phủ liên bang.
Đáp lại, Giám đốc FBI Patel đã nhanh chóng phát đi thông điệp nội bộ, nhấn mạnh FBI sẽ tự đánh giá nhân sự theo quy trình riêng của cơ quan: "FBI, thông qua văn phòng giám đốc, chịu trách nhiệm về mọi quy trình đánh giá và sẽ tiến hành theo thủ tục của FBI".
Động thái này cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ chính quyền Trump, khi không phải tất cả quan chức đều ủng hộ chiến dịch cắt giảm nhân sự quyết liệt của tỷ phú Elon Musk.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, hàng nghìn nhân viên liên liên bang đã bị sa thải hoặc chấp nhận đề nghị từ chức với mức hỗ trợ là 6 tháng lương.
Các chuyên gia pháp lý đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc sa thải hàng loạt này. Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo cấp dưới tạm hoãn phản hồi thư điện tử của OPM trong lúc chờ làm rõ tình hình.
Cẩm Lai (Nguồn: Washington Times)