(Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Bỏ đình chỉ học tập, hình thức kỷ luật cao nhất là viết bản tự kiểm điểm liệu có đủ tính răn đe là băn khoăn của nhiều giáo viên, lãnh đạo các nhà trường trước dự thảo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến vấn đề kỷ luật học sinh.
Dự thảo thông tư mới sẽ thay thế Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh. Thông tư 08 có quy định nhiều biện pháp kỷ luật học sinh, từ nhắc nhở đến khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập một tuần lễ và cao nhất là đình chỉ học tập một năm.
Thông tư 08 là một trong những Thông tư có hiệu lực lâu nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tồn tại 37 năm và đã có nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu mới.
Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học, trong đó có quy định về kỷ luật học sinh. Theo đó, học sinh vi phạm khuyết điểm được kỷ luật theo các hình thức từ nhắc nhở, hỗ trợ, khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh, tạm dừng học ở trường có thời hạn. Thông tư 32 bỏ hình thức kỷ luật khiển trách trước toàn trường. Điều này được đánh giá là nhân văn và phù hợp, tôn trọng nhân phẩm và giúp học sinh không bị kỳ thị, tự ti trước tập thể.
Theo lãnh đạo các nhà trường, dự thảo thông tư mới tiếp tục bỏ quy định về khiển trách, tạm dừng học tiếp tục thể hiện tinh thần nhân văn trong giáo dục, kỷ luật học sinh, nhưng băn khoăn việc hiệu quả răn đe.
Theo cô Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), trường học là tập thể gồm hàng trăm, thậm chí cả nghìn học sinh. Vì vậy, dù đa số các em rất ngoan nhưng sẽ luôn luôn có những học sinh cá biệt, đặc biệt ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông, do đặc điểm sinh lý, các em có cá tính khá mạnh.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề và nhiều năm làm công tác quản lý, cô Nga cho hay với những học sinh ngoan, đôi khi vì một lý do nào đó vi phạm khuyết điểm, khi bị yêu cầu viết bản tự kiểm điểm, các em sẽ ăn năn, nhận lỗi và sửa đổi. “Tuy nhiên, với những học sinh cá biệt thì biện pháp này có lẽ là chưa đủ,” cô Nga nói.
Đây cũng là quan điểm của cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Giáo dục không kỷ luật là tốt nhất, ai cũng muốn giáo dục chỉ bằng tình yêu thương, nhưng với điều kiện số lượng học sinh cá biệt ít, sỹ số học sinh trên lớp ít để thầy cô có thể quan tâm, sát sao, chăm sóc tâm lý được đến từng học trò,” cô Hồng nói.
Cô Hồng cho hay tại nhiều nước, lớp học chỉ 20-25 em trong khi hiện nay các trường đều có sỹ số gấp đôi, thậm chí lên đến hơn 50 em. Bên cạnh các học sinh cá biệt, các trường còn có các học sinh tự kỷ, tăng động học hòa nhập. Vì vậy, nếu chỉ viết bản kiểm điểm sẽ rất khó để rèn học sinh vào nề nếp. Khi đó, không chỉ không rèn được các học sinh cá biệt mà còn ảnh hưởng cả đến môi trường học tập của những học sinh khác.
Tình trạng học sinh đánh hội đồng diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội. (Ảnh cắt từ clip)
“Công dân phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng phải tuân thủ các nội quy của trường và các quy định phải có đủ tính răn đe để sau này các em trở thành những công dân biết tôn trọng pháp luật,” cô Hồng nói.
Theo cô Hồng, Thông tư 32 đã siết chặt hơn hành lang pháp lý của các nhà trường trong kỷ luật học sinh và việc bỏ cảnh cáo trước toàn trường là đúng. Việc cho học sinh nghỉ học 1, 2 ngày không phải để các em không được học mà nhằm giúp các em có thời gian nhìn nhận lại hành vi của mình, hiểu rằng khi hành động sai sẽ phải trả giá là không được gặp gỡ bạn bè. Gia đình cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc phối hợp cùng nhà trường giáo dục học sinh.
“Nếu biện pháp kỷ luật không đủ tính răn đe thì những học sinh ngoan trong trường học sẽ không được bảo vệ, thầy cô cũng không được bảo vệ vì không có công cụ. Lớp học không thể học được nếu học sinh cứ trêu bạn, trêu cả thầy cô. Tình trạng bắt nạt học đường cũng rất nhiều. Không có hành lang pháp lý đủ mạnh thì khó có thể giúp học sinh tiến bộ,” cô Hồng chia sẻ.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh, nhất là khi gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh đánh bạn hội đồng, thậm chí có học sinh bị đánh đến gãy đốt sống cổ, phải nhập viện. “Hiện học sinh có thể bị đình chỉ học nhưng bạo lực học đường dưới nhiều hình thức vẫn diễn ra. Là phụ huynh, tôi luôn lo lắng cho sự an toàn của con. Tôi cho rằng chỉ viết bản kiểm điểm thì càng không đủ tính răn đe với các hành vi như vậy,” chị Nguyễn Hoài Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Theo Vietnam+