Giảm nấc trung gian trong phê duyệt dự án, không để gián đoạn sau tinh gọn

Giảm nấc trung gian trong phê duyệt dự án, không để gián đoạn sau tinh gọn
4 giờ trướcBài gốc
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN
Việt Nam đang đặt quyết tâm mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt ít nhất 8%, tạo đà cho những năm tiếp theo.
Rà soát dự án chậm triển khai, cải cách thủ tục hành chính
Lãnh đạo nhiều địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay, thậm chí ở mức cao hơn.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, để đạt tăng trưởng GRDP 8% trở lên, quy mô kinh tế của Hà Nội phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD.
“Hà Nội sẽ tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị năm nay; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân để hút vốn qua NSNN tăng trên 18%. Hà Nội sẽ có các giải pháp hiệu quả trong kích cầu tiêu dùng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13%”, ông Trần Sỹ Thanh cho biết.
Còn Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, cần đưa bộ máy sau sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, không để tình trạng gián đoạn trong quản lý Nhà nước; tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn, dự án tồn đọng, có vướng mắc.
Theo đó sẽ phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để cho Thành phố phát triển.
“Xin kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành giúp Thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng kéo dài, cũng như khơi thông nguồn lực”, ông Nguyễn Văn Được đề xuất.
Năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là hạ tầng giao thông. “Hải Phòng đã và đang nỗ lực giải quyết các công việc trôi chảy, đảm bảo không xảy ra ách tắc, đặc biệt trong tinh gọn bộ máy hành chính”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết.
Trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể cao hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng dự báo, GRDP Hải Phòng quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, trong khi quý I hàng năm thường chỉ đạt khoảng 10%. “Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Khu kinh tế ven biển phía Nam của thành phố với quy mô 13.000 ha. Đây là dự án trọng điểm, góp phần mở rộng không gian phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kỳ vọng.
Quảng Ninh được giao GRDP tăng 12% năm nay, song Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Ấn cho biết, địa phương này sẽ phấn đấu vượt hơn 14%. Với mức này, quy mô kinh tế của Quảng Ninh sẽ tăng thêm 48.000 tỷ đồng so với năm ngoái, tức có thể đạt 395.000 tỷ đồng. "Đây là con số lớn, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc", ông Phạm Đức Ấn cho biết; đồng thời chia sẻ tỉnh xác định lấy đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính. Cùng với đó, Quảng Ninh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục đầu tư, quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đất đai…
Khai thác tối đa các yếu tố vốn, xóa bỏ định kiến dân doanh
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay, tín dụng ngân hàng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, cơ quan này sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai các gói tín dụng ưu đãi như 100.000 tỷ đồng cho thủy sản, gói hỗ trợ nhà ở 120.000 tỷ đồng…
“Ở góc độ vĩ mô, để đạt được tăng trưởng cao, cần khai thác tối đa các yếu tố vốn. Song nguồn lực này đang phải huy động trong nước và nước ngoài, vì bản chất nền kinh tế là tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư. NHNN kiến nghị cần gỡ khó, giảm tầng nấc trung gian trong phê duyệt, triển khai dự án. Việc này nhằm nâng hiệu quả sử dụng vốn, từ đó dòng vốn sẽ quay về ngành ngân hàng nhiều hơn, giúp việc giảm lãi suất thuận lợi”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Kỳ vọng về động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án.
“Xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định ‘luồng xanh’ cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách mới, đột phá đã được Quốc hội cho phép thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát, cơ chế quỹ, đầu tư mạo hiểm, quỹ khoa học công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp... để tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việt Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
“Tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó ở cấp nào thì cấp đó chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện. Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Minh Phương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-nac-trung-gian-trong-phe-duyet-du-an-khong-de-gian-doan-sau-tinh-gon-20250224172957136.htm