Từ 1/3, Ngân hàng Nhà nước giảm 5 đầu mối, sáp nhập và cắt giảm nhiều vụ. Ảnh: NHNN.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có hiệu lực từ ngày 1/3.
Theo đó, NHNN vẫn giữ nguyên vai trò là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, phát hành tiền và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định là việc tinh gọn bộ máy tổ chức của NHNN.
Về cơ cấu tổ chức, NHNN có 20 đầu mối. Trong đó có 8 vụ gồm Chính sách tiền tệ; Thanh toán; Tín dụng các ngành kinh tế; Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính; Hợp tác quốc tế; Pháp chế; Tài chính - Kế toán; Tổ chức cán bộ.
Ngoài ra, NHNN sẽ có 6 cục, thay vì 4 cục như trước đây. Đó là các cục Công nghệ thông tin; Phát hành và kho quỹ; Quản lý ngoại hối; Phòng, chống rửa tiền; An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng.
NHNN còn có Văn phòng, Thanh tra, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các khu vực (Ngân hàng Nhà nước Khu vực) và 2 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam và Thời báo Ngân hàng.
Trong đó, 18 tổ chức hành chính giúp Thống đốc NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng ngân hàng trung ương; hai đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của NHNN.
Như vậy, so với trước đây, bộ máy NHNN giảm 5 đầu mối. Trong đó, Vụ Dự báo, thống kê sáp nhập với Vụ Ổn định tiền tệ, tài chính thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.
Một số vụ không còn tên là Quản lý ngoại hối, Kiểm toán nội bộ, Truyền thông. Ngoài ra, bộ máy mới cũng không còn Viện Chiến lược ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
Nghị định cũng nêu rõ Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng. Vụ Thanh toán có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.
Thống đốc được giao trình Thủ tướng danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Ngân hàng Nhà nước và ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức, đơn vị thuộc NHNN theo quy định của pháp luật.
Việc tinh gọn bộ máy NHNN được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính, tối ưu hóa bộ máy tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ.
NHNN là một trong số các cơ quan không thuộc diện hợp nhất trong số các bộ và cơ quan ngang bộ. Tuy vậy, theo yêu cầu của trung ương, các cơ quan, tổ chức đều phải sắp xếp lại đầu mối bên trong giảm tối thiểu 15-20%.
Hiện, bà Nguyễn Thị Hồng đảm nhiệm chức vụ Thống đốc NHNN, cùng 5 Phó thống đốc là các ông Đào Minh Tú, Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thanh Hà và Phạm Quang Dũng.
Hồng Nhung