Trồng lúa bền vững, giảm phát thải giúp bà con nông dân gia tăng thu nhập. Ảnh: Hoàng Anh.
Vụ hè thu năm 2024, gần 600 nông hộ tại Kiên Giang thu về lợi nhuận tăng hơn 50% nhờ vào thực hành các giải pháp canh tác lúa bền vững theo chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh với Tổ chức Phát triển Hà Lan.
Còn tại Hợp tác xã Hưng Lợi, huyện Long Phú, thí điểm tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giúp các nông hộ thành viên bán được gạo với giá cao hơn khoảng 3 nghìn đồng/kg, chưa kể phần chi phí tiết kiệm khi giảm phân, giảm nước tưới.
Song song với đó, các thành viên của Hợp tác xã Hưng Lợi không còn đốt bỏ rơm như những mùa vụ trước đây, thay bằng việc dùng máy cuộn rơm để thu gom và bán lại. Với cách làm này, mỗi ha lúa, bà con nông dân thu lợi thêm khoảng 600 nghìn đồng.
Nhiều cách “kiếm tiền” từ giảm phát thải
Một trong những mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa bền vững là gia tăng thu nhập cho bà con nông dân đạt mức trên 40% năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. Trong đó, một phần thu nhập đến từ việc bán tín chỉ carbon.
Từ năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết với Chính phủ về việc nhận chuyển nhượng tín chỉ carbon từ đề án 1 triệu ha lúa bền vững, với đơn giá khoảng 10 USD/tín chỉ. Ước tính, nếu đề án được triển khai thành công, bà con nông dân có thể thu về được khoảng 50 – 100 triệu USD mỗi năm.
Cuối năm 2023, WB cũng đã chi trả hơn 50 triệu USD cho Việt Nam qua giao dịch chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon giảm thải từ phát triển, chống suy thoái rừng vùng Bắc Trung Bộ. Số tiền này được chính quyền địa phương chia cho người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, không nhiều nhưng cũng phần nào cải thiện sinh kế cho bà con.
Đáng chú ý, bên cạnh rừng nhiệt đới, Việt Nam cũng sở hữu nhiều hệ sinh thái như rừng ngập mặn, san hô, có khả năng hấp thụ khí thải carbon tốt hơn gấp nhiều lần. Nếu có kế hoạch bảo tồn, phát triển cùng kiểm đếm, đo đạc, những hệ sinh thái này hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận về tài chính.
Chuyển nhượng lượng giảm phát thải và tín chỉ carbon là những công cụ đem lại lợi ích kinh tế cho các nỗ lực giảm nhẹ cường độ phát thải và chống biến đổi khí hậu. Công cụ này tạo ra động lực để doanh nghiệp và người dân thực hành các giải pháp giảm phát thải.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải bán tín chỉ carbon, doanh nghiệp và người dân vẫn có thể gia tăng lợi nhuận nhờ vào các giải pháp giảm phát thải.
Một trong những cách kiếm tiền từ giảm phát thải là bán phần rác thải phát sinh cho các đơn vị có khả năng thu gom, tái chế. Thực tế, không ít người dân từ hàng chục năm nay đã có thói quen thu nhặt lại những phế liệu có giá trị để bán cho người đồng nát, ve chai, từ chai lọ nhựa, đồ điện tử, nồi niêu cũ hỏng cho đến tóc rối, lông gà lông vịt.
Ở quy mô doanh nghiệp, việc chuyển nhượng phế thải đang trở nên phổ biến trong một vài năm trở lại đây. Điển hình như tại KCN Khánh Phú IP, Công ty khí gas Ninh Bình đã ký hợp đồng mua lại khí thải carbon từ Công ty Phân bón Ninh Bình để sản xuất CO2 lỏng phục vụ sản xuất thực phẩm và dược phẩm.
Ở khu vực miền Nam, một số doanh nghiệp sản xuất thủy sản đã tận dụng phần phụ phẩm như xương cá, đầu tôm để sản xuất nguyên liệu thực phẩm, dược mỹ phẩm, cũng góp phần đáng kể trong nguồn thu của doanh nghiệp.
Hòa chung vào bức tranh giảm phát thải, một số đơn vị đang triển khai dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bền vững hóa chuỗi cung ứng, qua đó vừa kiếm được tiền, vừa giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.
Một số dịch vụ phổ biến đang được triển khai tại Việt Nam có thể kể đến như tư vấn về kiểm đếm, đo đạc, lên kế hoạch giảm thiểu khí nhà kính, ứng dụng công nghệ số trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm phát thải…, được cung cấp bởi cả những doanh nghiệp lớn như Schneider Electric, FPT IS cho đến các doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp Klinova, Green In.
Phạm Sơn