Giảm phương tiện cá nhân, tổ chức giao thông hợp lý để giải bài toán ùn tắc

Giảm phương tiện cá nhân, tổ chức giao thông hợp lý để giải bài toán ùn tắc
11 giờ trướcBài gốc
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện chiều dài đường bộ của Thủ đô đang khai thác đạt khoảng 23.420km.
Đường phố Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng mỗi khi mưa lớn.
Chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội đến nay đạt 12,13%, tốc độ tăng bình quân 0,3%/năm. Theo quy hoạch đến năm 2030 phải đạt 20 - 26% đối với đô thị trung tâm.
Toàn thành phố có hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động. Trong đó, Hà Nội đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Ngoài ra còn khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ lưu thông trên địa bàn.
Việc tốc độ gia tăng phương tiện khoảng 4 - 5%/năm, nhất là xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông đã gây ra nhiều áp lực lớn.
Bên cạnh đó mật độ dân cư của Hà Nội rất lớn, bình quân 2.398 người/km2 (cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân cư cả nước).
Do vậy mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao thông rất lớn. Đặc biệt là vào khung giờ cao điểm dẫn đến lưu lượng phương tiện thực tế trên nhiều tuyến đường, nút giao vượt quá lưu lượng thiết kế.
Điển hình như đường Nguyễn Trãi có lưu lượng gấp 2,5 - 3,2 lần so với thiết kế; đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cao gấp 4,3 - 4,9 lần; đường Lê Văn Lương cao gấp 2,7 - 3,3 lần; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cao gấp 2,1 - 2,6 lần...
Những ngày cuối năm, giao thông tại các đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng ngột ngạt, ùn tắc khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Đường sắt Hà Nội, cứ đến cuối năm thì nhu cầu đi lại tăng cao và sẽ có dấu hiệu ùn tắc.
Đặc biệt cứ trời lạnh hoặc trời mưa người dân đi ô tô nhiều, đường tắc nhiều đã trở thành quy luật không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh chóng trong khi hạ tầng chưa bắt kịp đã khiến ùn tắc thêm nghiêm trọng.
Cũng theo ông Hùng, ở các đô thị lớn trên thế giới đều lấy trọng tâm giảm nhu cầu đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân. Trong trường hợp này, chúng ta nên giảm mức độ đi lại bằng ô tô con, thay vào đó là các đi các phương tiện ô tô công cộng.
Năm 2024, Thành phố Hà Nội đã xử lý được 13/33 điểm ùn tắc nhưng phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc.
Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các điểm ùn tắc còn tồn tại, có giải pháp cho 230 điểm đang có nguy cơ ùn tắc; Lên phương án tổ chức lại giao thông nhằm phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng.
Cùng với đó tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống hoạt động ổn định. Nhất là với những nút đèn tín hiệu đã cũ, Sở sẽ rà soát và thay thế để bảo đảm điều kiện tốt nhất phục vụ tổ chức giao thông phục vụ người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Khi tiếp nhận thông tin đèn tín hiệu có vấn đề trục trặc kỹ thuật, Sở GTVT Hà Nội đã giao cho các đội địa bàn khắc phục, ổn định và thông tin ngay cho người dân được biết.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông qua nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển từ ngày 18/1/2025.
Đồng thời tổ chức xử lý vi phạm giao thông bằng camera giám sát, xử phạt nguội tại khu vực trung tâm nút, các tuyến đường thông qua nút.
Thế Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/giam-phuong-tien-ca-nhan-to-chuc-giao-thong-hop-ly-de-giai-bai-toan-un-tac-post330825.html