Giảm tác động, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu

Giảm tác động, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu
3 giờ trướcBài gốc
Hệ thống đê biển ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh được xây dựng góp phần ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển - Ảnh: T.N
Theo số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy, các hiện tượng khí hậu cực đoan diễn ra phức tạp, khó lường, không theo quy luật như trước đây, với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Điều đó dẫn đến thiên tai ngày càng mạnh hơn về cường độ và tần suất xuất hiện nhiều hơn, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Những tác động của BĐKH ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Điển hình như tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán khiến một số nguồn nước sông, hồ, nước ngầm cung cấp nước thô cho mục đích sinh hoạt khan hiếm dần, trữ lượng suy giảm, tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, đã xuất hiện nhiều trận lũ, lụt và mưa lớn bất thường dẫn đến tình trạng ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp ở vùng đồng bằng, gây sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng tại các khu vực miền núi, ven sông trên địa bàn tỉnh. Tình trạng xói lở bờ biển cũng diễn ra nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, bờ biển tỉnh Quảng Trị có đến 3.000 m chiều dài bị xói lở, tập trung chủ yếu tại đoạn bờ biển qua các thôn Thái Lai, Tân Mạch, Thử Luật, Tân Hòa thuộc xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh gây ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, đất thổ cư, nhà ở, đất sản xuất.
Nhằm chủ động ứng phó với những tác động bất lợi do BĐKH gây ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 58/ KH-UBND, ngày 17/3/2021, trong đó xác định 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào 7 nhóm, lĩnh vực ưu tiên để tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh...
Để hiện thực hóa các nhiệm vụ, giải pháp trên, UBND tỉnh Quảng Trị xác định cần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu dân cư, khu tái định cư ven biển và đảo Cồn Cỏ trên cơ sở phân vùng rủi ro thiên tai và kịch bản BĐKH. Ưu tiên xây dựng các công trình xanh và phát triển cây xanh đô thị, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, phòng chống ngập lụt do mưa lớn, lũ cho các đô thị như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị...
Phấn đấu đến năm 2050, quản lý hiệu quả tài nguyên nước, đất và chất lượng môi trường của tỉnh. Tiếp tục phát triển nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với BĐKH và có giá trị gia tăng cao. Thực hiện kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp thống nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các ngành, địa phương trong tỉnh.
Giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật. Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; điều tra, đánh giá sức chịu tải của các sông, hồ...Khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh ở đô thị và khu công nghiệp.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, công trình đo đạc phục vụ công tác khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra triều cường dâng cao, những nơi thường xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt; đánh giá, phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn; đánh giá và cập nhật báo cáo khí hậu, tài nguyên nước.
Thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro trước tác động của BĐKH, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán. Phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, nước biển dâng. Xây dựng và nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai tại những vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi bảo đảm chủ động phòng, chống lũ, bão, ưu tiên bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ, đập, đê sông, đê biển. Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch, gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá, bao gồm cả khu vực đảo Cồn Cỏ.
Chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư, bố trí di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên chịu tác động của khí hậu cực đoan, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra bão, lũ, xói lở bờ sông, bờ biển hoặc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương tại các vùng thường xuyên chịu tác động của khí hậu cực đoan, thiên tai. Xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Nâng cao năng lực cho các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa các tình huống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước những tác động của thiên tai do BĐKH gây ra.
Tân Nguyên
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/giam-tac-dong-ton-that-va-thiet-hai-do-bien-doi-khi-hau-189523.htm