Trên thực tế, qua 5 lần giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ năm 2022 đến nay, chính sách này đã tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kích cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở trên trong năm nay.
Thực phẩm thiết yếu là một trong những mặt hàng giảm thuế GTGT 2%. Đây cũng là mặt hàng tiêu thụ số lượng lớn tại các siêu thị, đơn vị bán lẻ. Nếu chính sách gia hạn giảm thuế tiếp tục được kéo dài đến năm 2026 chắc chắn lượng mua sẽ gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh doanh không chỉ của các siêu thị mà cả các đơn vị cung cấp từ Hà Nội và các tỉnh thành.
Trước đây, chính sách giảm thuế VAT chỉ kéo dài 6 tháng sau đó được gia hạn, điều này khiến cho doanh nghiệp rơi vào thế bị động, gây khó khăn, tốn kém chi phí. Lần giảm thuế này được đề xuất kéo dài đến hết năm 2026 là một cải cách trong chính sách thuế, nhìn nhận khó khăn của doanh nghiệp và từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Các chuyên gia đánh giá việc giảm thuế VAT 2% là một chính sách nuôi dưỡng nguồn thu. Qua 5 lần giảm thuế, thu ngân sách nhà nước năm sau đều tăng cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm 2024, tổng số thu ngân sách lần đầu tiên vượt 2 triệu tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết: "Nếu chúng ta giảm thu nhưng kích cầu nhiều hơn và tất cả các doanh thu đẩy hơn thì chúng tôi chắc rằng là vòng sau sẽ tạo ra của cải vật chất nhiều hơn và sẽ thu quỹ nhiều hơn, gọi là nuôi dưỡng nguồn thu".
Lần giảm thuế này, Bộ Tài Chính cũng đề xuất bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ nhằm hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần tiến tới giảm thuế VAT 2 % cho tất cả các mặt hàng, dịch vụ. Trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, nếu được thông qua chính sách này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiết kiệm khoảng gần 122 nghìn tỷ đồng.
Huyền Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/giam-thue-gia-tri-gia-tang-den-het-nam-2026-328157.htm