Dù mạnh tay chi thưởng để thu hút và giữ chân giảng viên giỏi, nhiều trường vẫn chật vật trước bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
Phải hai, ba đầu lương mới đủ sống
“Mức lương của GV là tiến sĩ (TS) hiện nay quá thấp. Như bản thân tôi cũng phải làm thêm giám đốc pháp chế, giám đốc sở hữu trí tuệ cho mấy công ty tư nhân chứ chỉ bám ở trường là không đủ sống”.
Đây là trải lòng của TS Nguyễn Thái Cường, GV khoa Luật dân sự, phụ trách Viện Luật so sánh của Trường ĐH Luật TP.HCM, khi chia sẻ về một trong những khó khăn hiện nay đối với GV ở các trường công lập.
Theo TS Cường, mức lương của một GV là TS hiện nay chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng, chưa gồm phụ cấp (thứ hạng GV, phụ cấp quản lý, thâm niên, dạy thêm giờ…) nhưng số tiền phụ cấp đó không đáng kể vì không phải ai cũng đủ điều kiện.
Ông Cường cho rằng mức này quá thấp so với yêu cầu cao của công việc và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Mức lương của một GV là TS dễ khiến họ phải làm thêm bên ngoài để có hai, ba đầu lương mới đủ bù đắp chi phí.
Đây cũng là một trong những rào cản lớn nhất khiến Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển đội ngũ ba năm qua.
Một giờ học của cô trò Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PL
Theo báo cáo từ phòng nhân sự của trường, từ năm 2018, trường đã triển khai nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến năm 2024, trường nâng mức hỗ trợ một lần với GV tuyển dụng mới có trình độ TS là 150 triệu đồng, PGS là 250 triệu đồng, GS là 350 triệu đồng.
Cả nước chỉ 33% giảng viên có trình độ tiến sĩ
Thống kê từ Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước chỉ 33% GV có trình độ TS trở lên. Cụ thể, có gần 91.300 GV bậc ĐH và GV bậc CĐ ngành giáo dục mầm non. Trong đó, hơn 30.000 GV có trình độ TS trở lên, chiếm 33%.
Dù vậy, trong ba năm qua, trường chỉ tuyển được 31 GV cơ hữu, đạt mức 32% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, trường có đến 30 GV cơ hữu nghỉ việc hoặc chuyển công tác, trong đó có đến 4 PGS, 13 TS và 13 thạc sĩ. Điều này gây nhiều trở ngại cho trường trong việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng.
Cùng với đó là tình trạng thiếu GV ở một số khoa khiến GV phải đảm nhận nhiều lớp với lịch giảng dày và còn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, gây nên áp lực với đội ngũ.
Mức lương thấp của một giảng viên là tiến sĩ khiến họ phải làm thêm bên ngoài để có hai, ba đầu lương mới đủ bù đắp chi phí.
Éo le không kém, năm 2024, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đăng ký tuyển dụng sáu GV trình độ TS trở lên cho các ngành ngôn ngữ Đức, tôn giáo học, giáo dục học, tâm lý học, ngôn ngữ học và nhóm ngành khu vực học theo diện thu hút nhân tài của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thế nhưng Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Lan cho biết đến nay sau ba đợt tuyển nhưng trường vẫn chưa tuyển được ai.
Nguyên nhân đầu tiên, theo bà Lan, cũng là do thu nhập và đãi ngộ chưa đủ cạnh tranh vì những quy định chung ở các đơn vị công lập. Bên cạnh đó là do nguồn tuyển hạn chế ở khối ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực KHXH&NV, những quy định quá chặt trong quản lý cán bộ…
Làm thủ tục thanh toán cực hơn làm nghiên cứu!
Theo chia sẻ của nhiều GV, để gắn bó lâu dài với các cơ sở đào tạo ĐH, quan trọng nhất là họ muốn được tôn trọng, được tạo môi trường và điều kiện để phát huy năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Thế nhưng đánh giá từ cả GV và cơ sở đào tạo đều cho thấy công tác nghiên cứu hiện nay ở các trường ĐH còn rất nhiều bất cập khiến GV dễ nản.
Nêu thực tế này, PGS-TS Phạm Huy Hoàng, Trưởng khoa Công nghệ cơ khí Trường ĐH Công thương TP.HCM, thẳng thắn: “Khi làm đề tài nghiên cứu khoa học, cái cực nhất của người thầy không phải là nghiên cứu mà lo làm thanh toán kinh phí cho đề tài đó”.
Ông Hoàng ví dụ khi một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, TP trở lên được duyệt, ngân sách sẽ rót tiền về theo từng đợt. Mỗi lần như vậy để sử dụng được tiền đó, GV phải làm thủ tục thanh toán các hạng mục sao cho đúng quy định về tài chính của Nhà nước. Giả sử nếu đề tài cần phải mua thiết bị thì phải có hóa đơn đúng số tiền và đúng thời điểm, phải thực hiện đấu giá nếu số tiền mua cao, trong khi có những thiết bị phải mua ở nước ngoài nên tốn thời gian mới lấy hàng được, giá cũng thay đổi liên tục.
“Bởi vậy những thầy nào chuyên làm đề tài sẽ phải thuê riêng một người phụ trách tài chính hỗ trợ, còn không thì phải kham hết, rất cực. Có người làm đề tài với thời hạn 2-3 năm nhưng phải sáu tháng cuối cùng mới được rót tiền về” - ông Hoàng bộc bạch.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, các cơ sở đào tạo hiện nay đã quan tâm và đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng mới phục vụ cho việc giảng dạy là chính chứ chưa đáp ứng hiệu quả cho nghiên cứu của người thầy. Theo ông, một phần vì các cơ sở đào tạo đều tự chủ tài chính, nguồn thu chủ yếu từ học phí nên còn hạn chế.
Mức lương của một giảng viên là tiến sĩ hiện nay được cho là thấp, khó thu hút người tài. Trong ảnh: Thầy trò Trường ĐH Công thương TP.HCM trong một giờ thực hành. Ảnh: P.ANH
“Như bản thân tôi, có những thiết bị phải tự bỏ tiền mua vì nhiều khi đi mượn không có, cũng không muốn gây tốn kém thêm cho trường. Như vừa qua, tôi mua cái búa động lực học lên đến 60 triệu đồng, từ tiền tích góp mỗi tháng của tôi, chứ dạy mà không có đồ nghề cũng không được” - ông Hoàng phân trần.
Ở phạm vi ĐH Quốc gia TP.HCM, ThS Trần Thị Tố Uyên, Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ, cũng thừa nhận môi trường nghiên cứu và điều kiện làm việc ở một số đơn vị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nguồn tài trợ cho nghiên cứu còn hạn chế và chưa thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học trẻ. Điều này khiến các cơ sở đào tạo công lập kém sức hút với GV trình độ cao và khó cạnh tranh với các cơ sở tư nhân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ThS Uyên, việc thiếu các cơ chế hỗ trợ toàn diện về định cư, điều kiện sống đối với các nhà khoa học từ nước ngoài trở về khiến họ e dè trong việc lựa chọn công tác tại các trường ĐH công lập trong nước.•
TS LÊ TRƯỜNG SƠN, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM:
Muốn bổ nhiệm GV giỏi phải mất vài tháng mới xong!
Quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm GV hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào nhiều quy định mang tính hành chính, khiến cho việc linh hoạt trong sử dụng nhân lực gặp trở ngại. Ví dụ như vấn đề bổ nhiệm, với các trường tư, việc quyết định tuyển dụng những GV hoặc các nhà khoa học có trình độ cao để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo được thực hiện nhanh vì cơ chế của họ thoáng hơn.
Còn ở trường công lập, việc bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo phải theo quy định, quy trình các bước, thủ tục… chứ không phải tuyển một phát là bổ nhiệm ngay. Giả sử người đó đang là viên chức thì phải làm các thủ tục như tiếp nhận, bên kia cho đi, trong hồ sơ bổ nhiệm cần có ý kiến về xác minh, tiêu chuẩn, kết luận... Những thủ tục hành chính có thể kéo dài vài tháng. Trong khoảng thời gian đó, biết đâu ứng viên có thể đổi ý vì nhận được những lời mời hấp dẫn hơn từ nơi khác.
TS PHẠM QUỐC VIỆT, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing:
Quy định về tuổi lao động của GV cao cấp gây khó cho trường
Theo quy định hiện nay, GV cao cấp chỉ được kéo dài tuổi lao động thêm năm năm sau khi đến tuổi nghỉ hưu. Sau đó, nếu các trường ký hợp đồng lao động lại thì họ không được chủ trì ngành đào tạo vì không còn là GV trong độ tuổi lao động. Điều này đặt ra những khó khăn nhất định cho các trường trong việc giữ chân GV có chức danh GS, PGS, nhất là các ngành đặc thù.
Bài cuối:
Những giải pháp tiếp sức cho giảng viên cống hiến lâu dài.
PHẠM ANH