Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Gia Lai là vùng đất nhiều tiềm năng gắn với các sản phẩm nông sản đặc trưng như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, chè và các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, lâu nay phương thức tiêu thụ truyền thống chưa tạo được sự đột phá trong việc tiếp cận các thị trường lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ giúp nông sản Gia Lai vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Sở Công Thương Gia Lai, thương mại điện tử đã có sự chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Theo đó, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 7% năm 2022 lên 7,5% năm 2023. Hiện đã có 139 xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 20% doanh nghiệp trong tỉnh có giao dịch thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website thương mại bán hàng và ứng dụng thương mại điện tử bán hàng.
Dù các đơn vị kinh doanh trong tỉnh tích cực tiếp cận xu thế ứng dụng công nghệ số và nỗ lực chuyển đổi phương thức tiêu thụ nông sản truyền thống sang ứng dụng thương mại điện tử, song tỷ lệ các sản phẩm nông sản chủ lực giao dịch trên sàn thương mại điện tử vẫn còn khá thấp.
Hiện Gia Lai vẫn còn khoảng 40% doanh nghiệp đã xây dựng website thương mại điện tử nhưng chưa khai thác hiệu quả. Các website thương mại điện tử này chỉ dừng lại ở chức năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các chức năng cho phép người mua hoàn tất quá trình mua sắm trực tuyến. Tỷ lệ doanh nghiệp có nhân lực chuyên trách về thương mại điện tử còn thấp, khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng và xây dựng thương hiệu còn hạn chế.
Ông Hồ Kỳ Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát Danh trà Gia Lai chia sẻ, trước đây việc tiêu thụ sản phẩm trà của đơn vị chủ yếu qua các kênh bán lẻ truyền thống, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường địa phương. Để tiếp cận với xu thế và mở rộng thị trường, khoảng gần 1 năm trở lại đây, Công ty đã bắt đầu tiếp cận các sàn thương mại điện tử và ghi nhận doanh thu tăng trưởng vượt trội.
Tuy nhiên, do mới tiếp cận nên công ty còn gặp khá nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong việc xây dựng thương hiệu, vận hành các gian hàng trực tuyến, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo… Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía tỉnh cũng như ngành chức năng để doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng giao dịch thương mại điện tử hoàn thiện hơn.
Để thúc đẩy mô hình này, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai Phạm Văn Binh cho biết, Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thanh toán, giao dịch và các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử không chỉ là công cụ bán hàng mà còn là nền tảng để định vị thương hiệu và tạo dựng giá trị lâu dài cho nông sản Việt Nam. Là địa phương thiên về nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản phong phú, thương mại điện tử sẽ là giải pháp khắc phục những rào cản về địa lý và logistics, qua đó kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng giúp gia tăng giá trị sản phẩm.
Tại Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Tây Nguyên diễn ra vào tháng 9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đề xuất Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xây dựng chương trình, định hướng phát triển thương mại điện tử cụ thể cho từng địa phương; đào tạo, nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến, quản lý gian hàng và xây dựng thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và các chứng nhận chất lượng quốc tế; phát triển hạ tầng giao thông và các trung tâm kho vận để giảm chi phí, thời gian vận chuyển.
Với sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Gia Lai đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam. Ứng dụng thương mại điện tử đã mở ra cơ hội tiêu thụ mới và tạo động lực để nông dân đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ vào sản xuất hướng đến chinh phục thị trường quốc tế.
Hoài Nam – Xuân Huy/TTXVN