Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023.
Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch.
Đồng thời, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tăng trưởng vượt trội, tăng tương ứng 118% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 1/3 tổng số lượng giao dịch của dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247.
Đối với giao dịch trên ATM, năm 2024 tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm liên tiếp. Giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Kết quả nói trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/ thanh toán bằng mã VietQR.
Về dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trong năm, NAPAS đã hoàn thành kết nối thanh toán QR giữa Việt Nam và Lào cho 7 ngân hàng Việt Nam và 14 ngân hàng Lào; đồng thời ký kết Thỏa thuận ghi nhớ với UnionPay International (UPI) về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cùng với đó, NAPAS đã mở rộng kết nối thêm các ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán bằng mã QR giữa Việt Nam và Thái Lan, Campuchia nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của du khách Việt Nam sang công tác, du lịch tại các quốc gia nói trên.
Về triển khai thanh toán dịch vụ công trực tuyến, NAPAS đã thực hiện thành công hơn 1,4 triệu giao dịch thanh toán dịch vụ công với giá trị tương ứng hơn 1000 tỷ VNĐ; tăng tưởng 210% về số lượng giao dịch và 128% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Ngoài ra, NAPAS cũng đã mở rộng dịch vụ thanh toán cho 10 nhóm dịch vụ công; kết nối thêm 12 ngân hàng, nâng tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán qua mã VietQR trên cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 38 ngân hàng/đơn vị...
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá điểm nổi bật trong hoạt động của NAPAS chính là thúc đẩy triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử cho các nhóm dịch vụ công và tăng cường phối hợp các bộ, ngành, địa phương; mở rộng mạng lưới Tổ chức thành viên tham gia triển khai dịch vụ, góp phần tạo sự đa dạng trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng như ứng dụng VNeID của Bộ Công an.
Đồng thời, điểm sáng trong số những hoạt động của NAPAS trong năm qua còn là hoạt động kết nối quốc tế với các Tổ chức thẻ quốc tế theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước như hoàn thành kết nối theo tiêu chuẩn, quy định với JCB, UPI, Amex… và tích cực triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Campuchia và Lào.
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đề nghị NAPAS thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tích cực triển khai các nội dung của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán song phương bằng mã QR với các quốc gia. Cụ thể, thời gian tới, NAPAS cần đẩy nhanh triển khai kỹ thuật, kết nối thanh toán xuyên biên giới với Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Đặc biệt, NAPAS cần chú trọng triển khai chiều thanh toán cho người nước ngoài có thể thanh toán quét mã VietQR khi đến Việt Nam.
Đi cùng với đó là tăng cường công tác giám sát an ninh, an toàn, đảm bảo hoạt động liên tục thông suốt của hệ thống. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đi đôi với việc tăng trưởng các giao dịch thanh toán điện tử. Đồng thời, NAPAS cần tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trao đổi thông tin, đề xuất giải pháp, ngăn ngừa, phát hiện phòng chống tội phạm trong hoạt động thanh toán.
Thùy Liên