Nguồn: sixthton.com
Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt trong giáo dục và việc làm, nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc cho rằng con cái cần học kiến thức sơ cấp ngay từ mẫu giáo để chuẩn bị tốt hơn cho bậc tiểu học. Kết quả là, xu hướng “giáo dục nâng cao” cho trẻ mầm non ngày càng trở nên phổ biến. Trước tình trạng này, ngày 2.6.2023, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Dự thảo Luật Giáo dục mầm non của Trung Quốc nhằm điều chỉnh giáo dục cho trẻ 3 - 6 tuổi, trong đó quy định rõ rằng trường mẫu giáo không được áp dụng tài liệu học tập hay phương pháp giảng dạy của giáo dục tiểu học cho trẻ mầm non.
Giai đoạn chuyển tiếp: vai trò của môi trường giáo dục tích cực
Trẻ mầm non thuộc nhóm tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường gia đình chăm sóc sang môi trường học tập ở trường lớp. Đây là thời kỳ dễ bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, giáo dục cho nhóm tuổi này cần tràn đầy tình yêu thương, tôn trọng và khuyến khích. Một môi trường giáo dục lý tưởng cho trẻ mầm non phải bảo đảm nhu cầu thư giãn, an toàn và phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ, nơi các em có thể học qua trải nghiệm thực tế, hoạt động thực hành, tương tác nhóm, khám phá và sáng tạo qua trò chơi. Tuy nhiên, do các xu hướng thực dụng phổ biến, đã có nhiều quan điểm sai lầm về giáo dục mầm non, tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho hệ thống giáo dục này, chẳng hạn như xu hướng các trường tư thục thúc đẩy mô hình giáo dục nâng cao ngay từ cấp mầm non.
Một cuộc khảo sát của Nhật báo Thanh niên Trung Quốc năm 2018 cho thấy, 81,1% người được hỏi cho biết, vấn đề giáo dục nâng cao tồn tại phổ biến tại các trường mẫu giáo xung quanh nhà họ, trong đó 19,8% cho rằng vấn đề này rất nghiêm trọng. 54,0% cho biết các trường mẫu giáo dạy Pinyin (bính âm - viết tiếng Trung bằng các ký tự Latin), đọc viết và toán học - những nội dung thuộc chương trình tiểu học, và 47,4% nhận xét rằng trường mẫu giáo dùng sách giáo khoa để dạy nội dung theo môn học và giao bài tập viết tay.
Nguyên nhân của nhu cầu giáo dục nâng cao ở cấp mẫu giáo Trung Quốc là do ảnh hưởng từ nền văn hóa giáo dục cạnh tranh trong thi cử. Theo các nhà phân tích, do áp lực thi đại học nặng nề, cả hệ thống giáo dục đều bị kéo vào chuỗi liên kết từ mẫu giáo đến đại học. Vì vậy, giáo dục mầm non thường bị xem là một phần mở rộng của giáo dục cơ bản, dẫn đến việc áp dụng chương trình và phương pháp giáo dục tiểu học vào mẫu giáo. Bên cạnh đó, nhiều trường mẫu giáo, đặc biệt là các trường tư thục, thường vì lợi nhuận mà triển khai chương trình tiểu học để thu hút phụ huynh, qua đó tăng lượng tuyển sinh, nhưng đồng thời làm trầm trọng thêm vấn đề giáo dục nâng cao. Nguyên nhân khác bắt nguồn từ thiếu tình trạng giáo viên mầm non có chuyên môn. Một số giáo viên hiện tại chưa qua đào tạo chuyên sâu về giáo dục mầm non, thiếu kỹ năng xây dựng chương trình và do đó áp dụng phương pháp giảng dạy tiểu học vào lớp học mầm non. Đặc biệt, kỳ vọng quá cao từ nhiều phụ huynh cũng làm trầm trọng thêm tình hình. Nhiều người muốn con mình vượt trội ngay từ nhỏ, gửi con vào các trường mẫu giáo chất lượng cao hoặc các chương trình ngoại khóa với các môn học như Pinyin, số học và tiếng Anh, dẫn đến việc tạo nên vòng lặp kỳ vọng và áp lực không cần thiết.
Tất cả những yếu tố trên khiến cho giáo dục mầm non đi chệch khỏi mục đích ban đầu là thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ em và trở thành công cụ cạnh tranh trong cuộc đua giáo dục.
Tác hại của giáo dục nâng cao đối với trẻ em
Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học người Pháp vào thế kỷ XVIII, nổi tiếng với quan điểm rằng giáo dục nên phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ em, nhằm giúp trẻ trưởng thành một cách toàn diện và hài hòa. Trong tác phẩm nổi tiếng Émile, ou De l’éducation (Émile, hay Bàn về giáo dục), Rousseau lập luận rằng trẻ em không nên bị ép buộc tiếp thu những kiến thức và kỹ năng không phù hợp với giai đoạn phát triển của chúng. Ông tin rằng việc thúc đẩy trẻ lớn lên một cách không tự nhiên sẽ làm tổn hại đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của chúng, giống như một quả chưa đạt độ chín nhưng có nguy cơ sớm hỏng. Quan điểm của ông đặt nền tảng cho nhiều lý thuyết giáo dục sau này, đặc biệt là các phương pháp giáo dục tôn trọng tính tự nhiên và nhu cầu phát triển của trẻ em.
Rousseau cho rằng, phá vỡ quá trình phát triển tự nhiên của trẻ em sẽ dẫn đến việc hình thành những "đứa trẻ già trước tuổi", phát triển trước khi các em sẵn sàng về mặt nhận thức và cảm xúc. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cả quá trình học tập và cuộc sống của các em sau này
Giáo dục nâng cao có vẻ như thúc đẩy sự phát triển sớm, nhưng thực tế lại cản trở quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Trẻ bị áp lực phải tiếp thu kiến thức trước tuổi sẽ dễ gặp phải vấn đề như giảm thời gian chơi, mất đi sự tò mò về thế giới, phát triển các vấn đề xã hội và tâm lý như thiếu tự tin, khó khăn trong giao tiếp và rối loạn nhân cách. Hơn nữa, việc học trước chương trình tiểu học còn có thể tạo ra tình trạng mệt mỏi trong học tập khi trẻ bước vào cấp học chính thức.
Bên cạnh đó, việc phổ biến giáo dục nâng cao đã làm sai lệch mục tiêu giáo dục mầm non, dẫn đến lãng phí tài nguyên giáo dục. Các cơ sở mẫu giáo trang bị cho chương trình giáo dục bằng trò chơi nhưng lại không được sử dụng hiệu quả, và trẻ học trước chương trình sẽ bị lặp lại nội dung khi vào tiểu học, làm giảm sự quan tâm và động lực học tập của các em trong giai đoạn sau.
Linh Anh (Tổng hợp)