Giáo dục nghề nghiệp: Hướng mở của mô hình đào tạo 9+

Giáo dục nghề nghiệp: Hướng mở của mô hình đào tạo 9+
3 giờ trướcBài gốc
Chọn trường, chọn nghề phù hợp năng lực
9+ là cách gọi tắt của mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa. Kết thúc chương trình, học sinh có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các học sinh ở các trường THPT công lập, đồng thời được trau dồi kỹ năng thực hành, có bằng trung cấp nghề. Tùy từng trường, học sinh có thể học tiếp chương trình từ 1 đến 1 năm rưỡi và có bằng tốt nghiệp cao đẳng liên thông. Với những lợi ích đó, mô hình này hiện đang được nhân rộng, giúp phân luồng nguồn lao động ngay từ bậc THCS, giảm áp lực cạnh tranh nghề nghiệp cho học viên.
Giờ học văn hóa hệ 9+ của học sinh Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang.
Chị Nguyễn Thị Huệ ở tổ dân phố Thành Chung, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) cho biết: “Năm học 2024-2025 con gái tôi không đăng ký thi vào trường THPT công lập như nhiều bạn bè đồng trang lứa bởi lực học của cháu ở mức trung bình, nếu đăng ký thi vào lớp 10 THPT gia đình e rằng sẽ quá sức. Trước khi thi tốt nghiệp THCS, được các thầy cô tư vấn, định hướng, chúng tôi ủng hộ con đăng ký vừa học văn hóa, vừa học nghề. Hy vọng con sẽ có môi trường học tập, rèn luyện phù hợp với năng lực và sớm có việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Được biết, em Phạm Thị Trà My (SN 2009), con gái chị Huệ hiện đang là học sinh năm nhất hệ 9+, lớp may thời trang của Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang. Còn anh Nguyễn Đức Minh (SN 2003), ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa), sau khi có bằng trung cấp nghề điện công nghiệp tại Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện, anh đã nộp đơn xin việc và được một doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhận vào làm việc. Anh chia sẻ: “Đây là công ty mà trước đây đã từng có thời gian thực tập nên tôi thấy rất thuận lợi khi vào làm việc chính thức”.
Theo cô giáo Phan Thị Thơm, Hiệu phó phụ trách Trường THCS Mỹ Thái (Lạng Giang), trong quá trình học tập, rèn luyện, mỗi học sinh đều bộc lộ mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Dựa trên kết quả học tập từng năm, nắm bắt năng lực, sở thích của cá nhân mỗi học sinh, ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các thầy giáo, cô giáo phối hợp chặt chẽ với gia đình để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. Trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ học sinh nhà trường đăng ký tham gia mô hình 9+ luôn đạt từ 40% trở lên. Riêng năm học 2023-2024 vừa qua, trong số 158 học sinh tốt nghiệp THCS thì có 75 em lựa chọn học văn hóa kết hợp học nghề tại các trường nghề, trung tâm GDNN trong tỉnh.
Nâng chất lượng đào tạo
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng học viên học văn hóa và học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp nghề thuộc Sở tăng đều theo từng năm học. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có hơn 6,5 nghìn học viên thì đến năm học 2023-2024 tăng lên 9,3 nghìn. Điều này chứng tỏ mô hình 9+ cũng như công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS đã và đang được các cấp, ngành, địa phương chú trọng triển khai và đạt một số kết quả.
Giờ thực hành nghề của học sinh hệ 9+ tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang.
Tuy vậy, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ở giai đoạn 2021-2023, trong tổng số hơn 22,5 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS tại các địa phương có điều kiện KT-XH bình thường thì chỉ có hơn 6 nghìn em được phân luồng vào học các trình độ GDNN, đạt tỷ lệ 26,8%. Kết quả này chỉ đạt 67% mục tiêu Kế hoạch 2905/KH-UBND ngày 13/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/05/2018 của Chính phủ. Để nâng cao tỷ lệ phân luồng, cung ứng nguồn nhân lực trẻ, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay, các trường, cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cần có các giải pháp đổi mới, từng bước nâng chất lượng đào tạo.
Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm học 2024-2025, đến nay, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang đã tuyển được 1.045 chỉ tiêu cho các ngành học, vượt 120 chỉ tiêu. Trong đó có 945 chỉ tiêu đào tạo trình độ trung cấp hệ 9+ ở các ngành: Điện công nghiệp; kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; công nghệ thông tin; công nghệ ô tô; hàn; may thời trang và thú y (tăng 70 chỉ tiêu so với năm học trước). Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cùng với dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, xưởng thực hành, nhà trường quan tâm đổi mới chương trình đào tạo. Trong đó, rút ngắn các giờ lý thuyết, tăng thời gian thực hành; liên hệ và bố trí hợp lý thời gian học sinh vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, giúp các em có thêm thu nhập, tạo cơ hội việc làm phù hợp sau khi ra trường”.
Để thu hút học sinh tham gia mô hình 9+, ngoài 5 khoa chuyên môn duy trì từ những năm trước, từ năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang mở thêm ba ngành đào tạo mới là: Nghề tổng hợp; máy lạnh và điều hòa không khí; khoa học cơ bản. Đây đều là những nghề trọng điểm mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn. Để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, từ năm 2019, trường ký thỏa thuận hợp tác đào tạo - cung ứng nhân lực với 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mới đây, trường xây dựng chương trình đào tạo thí điểm theo hình thức 1+1+1 (1 năm học tại trường, 1 năm học tại trung tâm đào tạo của doanh nghiệp và 1 năm trải nghiệm công việc thực tế) với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina (Bắc Ninh).
Là năm học đầu tiên đào tạo hệ 9+, năm nay, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang tuyển sinh 1 lớp ngành Thương mại điện tử với 50 học sinh. Sang năm học tới, nhà trường mở thêm các nhóm ngành hệ trung cấp để tăng quy mô tuyển sinh hệ 9+ lên khoảng 200 chỉ tiêu ở các ngành: Tiếng Trung, Chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ thông tin.
Dự báo từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30 nghìn lao động. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để thu hút học viên theo học mô hình 9+, rút ngắn thời gian đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, Sở sẽ chủ động rà soát hệ thống trường nghề, cơ sở GDNN, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học. Các đơn vị chủ động điều chỉnh chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp, tăng cường tổ chức các giờ học thực hành, trải nghiệm bám sát thực tế sản xuất của doanh nghiệp; chú trọng công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nâng tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo.
Bài, ảnh: Tường Vi
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/giao-duc-nghe-nghiep-huong-mo-cua-mo-hinh-dao-tao-9-074432.bbg