Bước tiến mới của Trường Đại học An Giang

Bước tiến mới của Trường Đại học An Giang
6 giờ trướcBài gốc
PGS. TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, sau hơn 5 năm trở thành thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ/tổng số giảng viên tăng rất đáng kể (từ 15,4% thời điểm cuối năm 2019 lên 25,8% vào tháng 8/2024) và tỷ lệ giảng viên/sinh viên chính quy vượt so mục tiêu đề ra (1/18 so với mục tiêu là 1/20). Giai đoạn 2019 - 2024, trường đã cử 52 viên chức đi đào tạo tiến sĩ (trong nước 36, ngoài nước 16).
Tỷ lệ trúng tuyển và nhập học tại trường trong 4 năm (2020, 2021, 2022, 2023) khá cao, trung bình khoảng 100,7%; tỷ lệ học sinh có học lực loại giỏi nộp hồ sơ vào trường tăng đáng kể. Năm 2021, có 382 hồ sơ; năm 2022, có 773 hồ sơ và năm 2023, có 2.335 hồ sơ. Đặc biệt, điểm chuẩn tuyển sinh của trường liên tục tăng qua từng năm (trung bình mỗi năm tăng từ 0,33 đến 2,56 điểm), trong đó có một số ngành điểm chuẩn hơn 27 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Số lượng sinh viên đại học chính quy tăng từ 7.500 (năm 2019) lên trên 10.000 sinh viên (tính đến tháng 12/2023); lĩnh vực đào tạo từ 11 tăng lên 12 lĩnh vực.
Trở thành trường thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là một cơ hội rất tốt để Trường Đại học An Giang phát triển
Trường còn thường xuyên tạo mối quan hệ gắn kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để vận động nguồn học bổng cho sinh viên. Từ năm 2019 đến năm 2024, đã phối hợp các tổ chức, cá nhân trao 3.613 suất học bổng, với tổng giá trị trên 19 tỷ đồng. Trong đó, năm học 2023 - 2024, có 893 suất học bổng được trao, với tổng giá trị trên 4,6 tỷ đồng, tăng 307 suất so năm học 2019 - 2020. Bên cạnh công tác hỗ trợ tài chính, trường còn chú trọng đến Chương trình Hướng nghiệp - Tư vấn tuyển sinh và phát triển năng lực cho sinh viên. Hàng năm, trường thực hiện tư vấn, giải đáp thắc mắc cho hơn 7.000 lượt học sinh trên các kênh tư vấn trực tuyến và tư vấn trực tiếp cho gần 40.000 học sinh tại các trường THPT trong và ngoài tỉnh. Số lượng Chương trình Hướng nghiệp - Tư vấn tuyển sinh do trường tổ chức và tham gia cùng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tăng cao so các năm trước. Từ 5 chương trình trong năm 2019 - 2020, đến năm học 2023 - 2024, con số này đã tăng lên đến 125 chương trình, gấp 25 lần so ban đầu. Đây là những kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự đầu tư và quan tâm sâu sắc của nhà trường đối với việc định hướng tương lai cho học sinh.
Dù có nhiều thuận lợi, song trường cũng gặp không ít thử thách, khó khăn. PGS. TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng, công tác phát triển, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao gặp nhiều khó khăn do chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp và trường ở xa các trung tâm kinh tế - xã hội lớn. Đề án Đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động chưa đảm bảo tính khả thi để triển khai theo kế hoạch vào năm 2023, dự kiến lùi lại đến giai đoạn 2026 - 2030. Bởi, trong bối cảnh hiện nay và nguồn lực của nhà trường, việc tự chủ kinh phí chi thường xuyên khi đề án này triển khai dự báo sẽ gây ra những khó khăn, thách thức đáng kể cho hoạt động của nhà trường.
PGS. TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng Trường Đại học An Giang trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là một cơ hội rất tốt để trường phát triển. Ông đề nghị tất cả các thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phát huy tính chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để làm tốt công tác tổ chức nhân sự (đặc biệt là nhân sự đứng đầu), đào tạo liên trường, nghiên cứu khoa học và xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo, cải tạo cơ sở vật chất và đa dạng nguồn thu... giúp Trường Đại học An Giang hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
-PHƯƠNG LAN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/buoc-tien-moi-cua-truong-dai-hoc-an-giang-a405871.html