Giáo sư đại học, doanh nhân về 'đầu quân' cho các trường tiểu học và trung học

Giáo sư đại học, doanh nhân về 'đầu quân' cho các trường tiểu học và trung học
một ngày trướcBài gốc
Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây ban hành “Hướng dẫn giáo dục khoa học trong trường tiểu học và trung học”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu “mỗi trường có ít nhất một hiệu phó phụ trách khoa học”. Chính sách này khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực khoa học - công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng khoa học và doanh nghiệp công nghệ đảm nhận vai trò này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục khoa học trong nhà trường.
Vì sao cần hiệu phó phụ trách khoa học?
Theo Xinhua Daily, trong nhiều năm, giáo dục khoa học trong trường phổ thông gặp nhiều thách thức như đội ngũ giáo viên không đồng đều, chương trình giảng dạy thiếu thực tiễn và nguồn lực phân tán, chưa được khai thác hiệu quả. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 70% giáo viên dạy khoa học ở bậc tiểu học không có nền tảng chuyên môn về khoa học và kỹ thuật. Điều này dẫn đến tình trạng giảng dạy thực nghiệm chỉ mang tính hình thức, tài nguyên khoa học ngoài nhà trường khó được tích hợp vào chương trình học.
Chính vì thế, hệ thống “Hiệu phó phụ trách khoa học” được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách kết hợp nguồn lực bên ngoài và kết nối nội bộ, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy khoa học một cách thực chất.
Nhiều địa phương hưởng ứng mạnh mẽ
Ngay sau khi chính sách được ban hành, nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai và tuyển dụng hiệu phó khoa học. Tại Nam Kinh, giáo sư từ các trường đại học hàng đầu như Đại học Nam Kinh và Đại học Đông Nam đã được bổ nhiệm vào vị trí này tại các trường tiểu học.
Cụ thể, ngày 24/3, giáo sư Trần Bằng Phi từ Khoa Thiên văn và Khoa học Không gian, Đại học Nam Kinh, đã trở thành hiệu phó khoa học đầu tiên của một trường tiểu học ở TP Nam Kinh. Đồng thời, 45 phụ huynh đang làm việc trong các viện nghiên cứu khoa học, hệ thống y tế và công ty công nghệ cao cũng được tuyển chọn làm cố vấn khoa học để hỗ trợ công tác phổ biến khoa học cho học sinh.
Giáo sư Trần Bằng Phi (bên phải), Khoa Thiên văn và Khoa học Không gian, Đại học Nam Kinh, đã trở thành hiệu phó khoa học đầu tiên của một trường tiểu học ở TP Nam Kinh.
Không chỉ vậy, trường tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh cũng đã mời Giáo sư Dương Phi từ Đại học Đông Nam làm hiệu phó khoa học để khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học và công nghệ trong học sinh.
Một số địa phương khác tại tỉnh Giang Tô còn triển khai mô hình “tuyển dụng hiệu phó khoa học theo nhóm”. Chẳng hạn, khu công nghệ cao Diên An đã mời 14 chuyên gia từ Đại học Sư phạm Diêm Thành, trong đó có 5 người đang chủ trì các dự án nghiên cứu cấp quốc gia và tất cả đều có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn hoạt động khoa học cho thanh thiếu niên.
Cả doanh nhân công nghệ cũng tham gia
Không chỉ giới học thuật, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ cũng tham gia đội ngũ hiệu phó khoa học.
Mới đây, ông Triệu Lương, Viện trưởng Viện nghiên cứu mô hình sáng tạo của Ecovacs, đã được bổ nhiệm làm hiệu phó khoa học của trường trung học Anh Xuân (Tô Châu). Ông cho biết, công ty sẽ tận dụng tài nguyên công nghệ để hỗ trợ trường học trong việc giảng dạy các môn khoa học tiên tiến và tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận thực tiễn.
Hiệu phó khoa học sẽ làm gì?
Hiệu phó khoa học sẽ đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như: Xây dựng chương trình giảng dạy; Phối hợp với giáo viên thiết kế các khóa học khoa học, phát triển các dự án thực tiễn liên ngành như lập trình robot, trí tuệ nhân tạo, in 3D…
Tổ chức hoạt động khoa học: Thực hiện các buổi nói chuyện khoa học, câu lạc bộ STEM, liên kết với các viện nghiên cứu để tổ chức các chuyến tham quan phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu đề tài.
Đào tạo giáo viên: Hỗ trợ nâng cao năng lực giảng dạy khoa học của giáo viên thông qua các buổi tập huấn và nghiên cứu chuyên sâu.
Đổi mới đánh giá học sinh: Đề xuất hệ thống đánh giá khoa học mới, tích hợp thí nghiệm thực hành và tư duy khám phá vào bài kiểm tra, khuyến khích học sinh phát triển tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Thách thức trong quá trình thực hiện
Việc triển khai hệ thống hiệu phó khoa học đánh dấu một bước tiến lớn trong giáo dục khoa học tại Trung Quốc. Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần có các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, như: Ứng dụng công nghệ giáo dục thông minh: Tận dụng nền tảng giáo dục quốc gia, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… để tạo môi trường học tập sinh động, cá nhân hóa nội dung giảng dạy; Tăng cường giám sát từ chính quyền địa phương: Định kỳ đánh giá hiệu quả giảng dạy khoa học, yêu cầu trường học báo cáo tỷ lệ hoàn thành thí nghiệm thực hành, đưa kết quả hoạt động của hiệu phó khoa học vào tiêu chí đánh giá.
Mặc dầu chương trình phát triển khoa học kỹ thuật tại các trường tiểu học và THCS có nhiều tham vọng nhưng cũng gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, nhiều người đặt câu hỏi "Hiệu phó khoa học" chỉ là “danh hiệu” hay một vị trí thực sự? Nếu không có cơ chế công nhận khối lượng công việc và chính sách khuyến khích phù hợp, rất có thể vị trí này sẽ chỉ mang tính hình thức.
Thứ hai là sự chênh lệch giữa các khu vực: Các thành phố lớn có nhiều điều kiện để thu hút chuyên gia, nhưng trường học ở vùng sâu, vùng xa có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hiệu phó khoa học phù hợp. Để tránh tình trạng “nơi mạnh càng mạnh, nơi yếu càng yếu”, cần có chính sách hỗ trợ giáo viên theo mô hình chia sẻ nhân lực.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng nếu thực hiện tốt, mô hình hiệu phó khoa học sẽ giúp gieo mầm ước mơ khoa học cho thế hệ trẻ, tạo nền tảng vững chắc để kết nối giáo dục và khoa học - công nghệ, góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Hoàng Linh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/giao-su-dai-hoc-doanh-nhan-ve-dau-quan-cho-cac-truong-tieu-hoc-va-trung-hoc-2386226.html