Giáo sư Mông Cổ: Người Việt Nam rất trọng ân tình

Giáo sư Mông Cổ: Người Việt Nam rất trọng ân tình
2 giờ trướcBài gốc
Với ông Dashtsevel, Việt Nam là một dân tộc trọng ân tình. Ông nguyện dành cả đời mình để tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Dù đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng những ký ức về Việt Nam của giáo sư S.Dashtsevel vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Hơn 60 năm trước, vào tháng 12/1962, khi đất nước Việt Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh, chàng trai S.Dashtsevel khi ấy đang học tiếng Nga tại trường Đại học Sư phạm Mông Cổ, đã được cử sang Việt Nam học tập.
Giáo sư Sonom-Ish Dashtsevel.
Ông cùng một sinh viên Mông Cổ khác đã phải mất 5 ngày đi tàu qua Trung Quốc để đến Hà Nội và từ đó gắn bó với vùng đất này suốt 5 năm. Ông học tiếng Việt, văn học Việt và tiếng Pháp ở Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Vào thời điểm đó, chỉ có 4 sinh viên Mông Cổ học tiếng Việt tại Việt Nam.
Giáo sư S. Dashtsevel vẫn nhớ như in những ngày tháng học tập trong các lán trại dựng tạm và cùng người dân Hà Nội đi sơ tán vì bị ném bom. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng ông quyết không về nước. Đáp lại tình cảm của ông và các lưu học sinh ở lại, nhà trường đã tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp trọng thị và tình cảm. "Khi chiến tranh, hầu hết lưu học sinh về nước. Bạn học cùng tôi cũng về. Chỉ còn mình tôi ở lại cùng một số ít sinh viên Cuba, Triều Tiên... Khi tốt nghiệp, lãnh đạo trường và đại diện Bộ Giáo dục đã tặng hoa, tiễn chân với tình cảm trân trọng. Họ nói rằng, chúng ta đã chia khổ cùng nhau. Đây là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt".
Các tác phẩm do ông dịch và viết.
Sau khi tốt nghiệp ở Việt Nam, giáo sư S.Dashtsevel đã có thời gian làm việc ở Bộ Ngoại giao, sau đó chuyển sang Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ. Từ năm 1991 đến giữa năm 2024, ông là Chủ tịch Hội hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam.
Trong suốt thời gian dài gắn bó với Việt Nam, đọng lại trong ông là những tình cảm chân thành giữa hai dân tộc vào những thời khắc khó khăn, như người dân Mông Cổ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh hay người dân Việt Nam chia sẻ với Mông Cổ mỗi khi thiên tai địch họa.
Với ông, người dân Việt Nam có rất nhiều phẩm chất cao đẹp và dân tộc Việt Nam là một dân tộc trọn nghĩa, vẹn tình: “Người Việt Nam không bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình. Người Việt Nam còn có những phẩm chất rất đáng quý khác, đó là chịu khó, mến khách, dũng cảm, cái dũng cảm đó rất đặc biệt, hiền lành, chuyên tâm, tỉ mỉ và hiếu học.”
Không chỉ làm công tác ngoại giao và nghiên cứu, ông còn chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang tiếng Mông Cổ, như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du hay Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách của ông viết về Bác Hồ cũng được tái bản nhiều lần.
Tủ sách với rất nhiều sách tiếng Việt của giáo sư Sonom-Ish Dashtsevel.
Ông Dashtsevel không giấu nổi niềm xúc động khi nhận được bức tranh về Người từ những người bạn Việt Nam: "Năm 2023, có một đoàn của Việt Nam sang và đến nhà lều của tôi ở tận Kharakhorin, cách thủ đô 400km và tặng cho tôi một bức tranh Bác Hồ. Khi đó, trời rất lạnh. Tôi rất cảm ơn và vô cùng cảm động".
Giáo sư S. Dashtsevel cho rằng, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc là điều vô cùng quan trọng. Vào thời điểm Việt Nam và Mông Cổ hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học của hai nước được đưa vào giáo trình giảng dạy trong nhà trường và giới thiệu tới độc giả của nhau. Tâm nguyện của ông là ngày nào còn sống sẽ còn cố gắng để điều này trở thành hiện thực.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/giao-su-mong-co-nguoi-viet-nam-rat-trong-an-tinh-post1124994.vov