Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi: Cơ bản vẫn là chủ động đào tạo nhân tài

Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi: Cơ bản vẫn là chủ động đào tạo nhân tài
2 ngày trướcBài gốc
PV: Thưa ông, chúng ta có hẳn Nghị quyết về sử dụng người tài, từ thực tế tham gia các Hội đồng khoa học, quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
GS.VS Đào Trọng Thi.
GS.VS Đào Trọng Thi: Chúng ta phải hiểu đúng về nhân tài thì mới chọn đúng được nhân tài. Tài năng là phải vượt trội, mang tầm cỡ của quốc tế, tầm cỡ của các nước tiên tiến của thế giới. Nhân tài phải là người tiên phong, vượt trội và đi trước người ta. Nhiều nhân tài thì mới đáp ứng, để đất nước vươn lên đứng đầu trong phát triển khoa học công nghệ.
Hiện chúng ta đang tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội để tăng trưởng 2 con số, hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay?
- Việt Nam có thành công lớn là trong lúc đất nước chiến tranh, đời sống khó khăn, nhưng chúng ta đã cử rất nhiều sinh viên xuất sắc ra nước ngoài học tập. Đó chính là tầm nhìn xa trông rộng của Đảng. Để rồi sau đó 10-20 năm, họ trở về nước và là những người đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.
Bây giờ chúng ta muốn “nhảy” vào chuỗi sản xuất chip bán dẫn, trong khi một lượng lớn vẫn đang trong quá trình đào tạo, chưa kể đào tạo xong có thể phải mất thêm 10 năm nữa mới có thể bắt đầu làm được. Nó là cả một quá trình, đào tạo đại học mất bao nhiêu năm chưa nói gì đào tạo người có tài, vài chục năm là bình thường. Muốn đi nhanh cũng không thể đốt cháy giai đoạn được, vì vậy thời gian đầu chưa kịp thì trước mắt chúng ta phải thu hút, thậm chí thuê nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, họ là những người có trình độ rất cao ở những khâu quan trọng của chuỗi cung ứng, mang tính chất dẫn dắt. Đó là những nhân tài vượt trội mang tầm cỡ thế giới. Muốn phát triển thì phải đi trước người ta, chứ đi sau, làm theo thì không được, làm gì có lợi nhuận lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có một lượng lớn tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu thu hút được họ thì sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, thưa ông?
- Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyên gia người nước ngoài, hay người Việt Nam ở nước ngoài thì chúng ta cần chọn lọc người có trình độ cao nhưng cũng chỉ thu hút được một số lượng nhất định thôi. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước thì phải còn lâu mới đạt được trình độ như các chuyên gia đó. Cho nên phải thu hút nhân lực chất lượng cao vượt trội. Nhưng thu hút từ bên ngoài thì chi phí cho lực lượng này rất cao, bởi họ đang sống ở môi trường lương cao, khi chúng ta thu hút về chi phí thậm chí còn cao hơn vì họ phải xa nhà. Do đó có thể thuê họ. Họ là “một bộ phận đặc biệt” để xử lý những vấn đề mà nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thưa ông, việc thu hút, hay thuê chuyên gia cũng chỉ là trước mắt, nhưng còn về lâu dài muốn làm chủ công nghệ thì chúng ta phải quan tâm tới đào tạo trong nước?
- Bao giờ đào tạo cũng phải đi trước một bước rất dài. Bởi để đào tạo một người bình thường, trình độ đại học đã mất 5 năm chưa nói gì là đào tạo nhân tài. Bây giờ nếu cứ chờ 10 năm nữa thì sẽ quá muộn. Trước mắt khi chúng ta đào tạo chưa kịp, cần ngay nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển đất nước nhanh trong giai đoạn hiện nay thì phải thu hút, thuê chuyên gia từ bên ngoài về. Còn về lâu dài, đào tạo trong nước vẫn phải là cơ bản và chủ động, phải đào tạo các nhân tài mang tính chất vượt trội.
Thưa ông, Tổng Bí thư Tô Lâm từng đề cập làm sao trong đào tạo phải hướng tới khoa học cơ bản thì từ đó mới tạo nên các công trình, nghiên cứu lớn. Có lẽ trong đào tạo chúng ta cần hướng đến điều này bởi hiện nay các ngành này đang ít học sinh?
- Nếu muốn đi đầu thì phải là nước có trình độ cao, mang tính chất dẫn dắt về khoa học cơ bản. Các nhà bác học nổi tiếng trên thế giới đều là khoa học cơ bản cả. Công nghệ cao thì phải là công nghệ mới thực sự, đó mới là nhân tài thực sự. Ở ta có cái ngược là ở dưới thì giỏi nhưng càng lên cao thì lại tầm tầm. Tức là học sinh phổ thông đi thi quốc tế thì ngang ngửa với bạn bè thế giới, nhưng lại ít người có phát minh, sáng chế. Như vậy làm sao mà dẫn đầu được, làm sao mà ngang ngửa, vượt qua họ được.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.vũ (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/giao-su-vien-si-dao-trong-thi-co-ban-van-la-chu-dong-dao-tao-nhan-tai-10302585.html