Giao toàn bộ việc nuôi dưỡng con cho ông bà, điều gì sẽ xảy ra?

Giao toàn bộ việc nuôi dưỡng con cho ông bà, điều gì sẽ xảy ra?
4 giờ trướcBài gốc
Ông bà chỉ nên hỗ trợ cha mẹ chăm sóc trẻ trong một thời gian ngắn. Ảnh: PNVN.
Nói về trải nghiệm tuổi thơ, ấn tượng sâu sắc nhất đối với nhiều bậc cha mẹ không phải là về cha mẹ mình, mà là về ông bà. Bởi vì những người sinh vào thập niên 1970 và 1980 thường được ông bà chăm sóc, thậm chí đến tuổi đi học vẫn còn ở cùng ông bà. Do đó, họ coi việc để con cái ở với ông bà đến khi đi học là điều đương nhiên.
Ngay cả khi thời đại phát triển, ở nhiều vùng sâu, vùng xa, những người sinh vào thập niên 1990 và 2000 cũng lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà vì cha mẹ phải đi làm xa. Các bậc phụ huynh cho rằng con còn nhỏ, chưa biết cảm giác nhớ nhung, và chỉ cần đón con về khi đến tuổi đi học là đủ.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng trẻ em phát triển đa số các kỹ năng sống trước khi lên ba tuổi, và giai đoạn này là nền tảng cho sự phát triển nhân cách, tâm lý, và cảm xúc của trẻ. Điều này có nghĩa rằng từ 0-6 tuổi, trẻ cần được lớn lên bên cạnh cha mẹ, và sự đồng hành hàng ngày của cha mẹ là rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Tiếc thay, một số bậc cha mẹ không nhận ra tầm quan trọng của việc sống cùng con cái. Họ phải đi làm xa và chỉ trở về vào dịp Tết, đoàn tụ với con trong vài ngày rồi lại rời đi. Những trẻ nhỏ, sau cả năm không gặp cha mẹ, thậm chí không nhớ nổi dáng hình của cha mẹ. Khi gặp lại, các em thường rất rụt rè, ngại ngùng. Khi trẻ vừa bắt đầu quen với việc gần gũi cha mẹ, thì cha mẹ lại phải tiếp tục rời đi để bắt đầu một năm làm việc mới.
Nhiều cha mẹ sống xa con có thể là do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, hoặc do không quan tâm đủ đến việc nuôi dạy con cái. Vậy nên, trẻ chỉ có cơ hội đoàn tụ với cha mẹ khi đã trưởng thành, hoặc khi đi làm thuê tại các thành phố nơi cha mẹ sinh sống.
Trong những trường hợp này, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên lạnh lùng, xa cách, và tình cảm giữa hai bên cũng rất nhạt nhòa. Khi gặp phải khó khăn hay rắc rối, các em không muốn nhờ cha mẹ giúp đỡ mà chọn cách tự mình giải quyết. Dường như các em không còn mong muốn sự gần gũi hay tin tưởng vào cha mẹ của mình nữa.
Trái ngược hoàn toàn với sự xa lánh giữa trẻ với cha mẹ, chúng lại đặc biệt phụ thuộc vào ông bà, những người đã chăm sóc và nuôi dưỡng chúng trong suốt quá trình trưởng thành. Khi còn nhỏ, ông bà có trách nhiệm lo toan chuyện cơm ăn, áo mặc của các em.
Khi lớn lên, khao khát được thỏa mãn tình cảm gia đình khiến trẻ đặt nhu cầu tình cảm lên ông bà. Lúc này, trật tự trong gia đình bị đảo lộn: trẻ coi ông bà như cha mẹ và xem cha mẹ ruột của mình như những người khách trong gia đình.
Dương Hạo sống cùng ông bà nội từ năm một tuổi, vì cha mẹ cô bé đi làm xa và chỉ về nhà vào dịp Tết. Khi còn nhỏ, Dương Hạo không có ấn tượng gì về cha mẹ mình; thậm chí, khi họ về nhà, cô bé còn tưởng họ là họ hàng đến thăm. Khi lớn hơn một chút, Dương Hạo mới hiểu rằng cha mẹ mình phải đi làm xa.
Nhờ có ông bà nội luôn bên cạnh, cô bé không cảm thấy cô đơn. Hơn nữa, đa số trẻ em trong làng cũng sống với ông bà, vì vậy, Dương Hạo không cảm thấy mình khác biệt với các bạn.
Sau khi vào cấp hai ở thị xã, Dương Hạo mới nhận ra mình khác biệt với mọi người. Mỗi tối tan học, nhiều bạn học về nhà, có người còn được cha mẹ đứng ngoài cổng chờ. Mỗi buổi chiều thứ Sáu, những bạn học nội trú giống Dương Hạo đều được cha mẹ đến đón, chỉ mình Dương Hạo lủi thủi một mình bắt xe bus về nhà.
Cô bé dần cảm thấy khó hiểu, bèn gọi điện cho mẹ và hỏi: “Mẹ ơi, khi nào mẹ mới về?” Mẹ đáp: “Mẹ và bố con phải ra ngoài kiếm tiền, không có tiền thì các con sẽ ăn gì, uống gì đây!” Dương Hạo tiếp tục: “Về quê cũng kiếm tiền được mà!” Mẹ lại nói: “Về quê kiếm được ít, ra ngoài mới kiếm được nhiều.” Dương Hạo khó chịu hỏi: “Tiền có bao giờ là đủ? Bố mẹ định không bao giờ về nhà đúng không?” Từ hôm đó, Dương Hạo càng ít nói chuyện với mẹ và cũng hiếm khi gọi điện cho mẹ.
Có lần, Dương Hạo cãi nhau với bạn cùng lớp, cô bé rất buồn, về nhà liền vừa khóc vừa nói với bà nội: “Bà ơi, nếu bà là mẹ của con thì tốt biết mấy!” Nghe cháu gái nói vậy, bà nội cảm thấy xót xa nhưng không biết an ủi cháu ra sao.
Trong trường hợp này, Dương Hạo mong muốn bà nội trở thành mẹ của mình không phải chỉ vì yêu thương bà, mà vì trong thâm tâm, cô bé cảm thấy thiếu thốn tình mẹ và khao khát sự quan tâm, yêu thương từ mẹ. Dù chỉ là một câu nói đơn giản, nhưng đó là tiếng lòng của cô bé. Đáng tiếc rằng người mẹ lại không chú ý đến những nhu cầu của con mình và không bao giờ để tâm đến những gì con thực sự mong muốn.
Hiện nay, vấn đề trẻ em sống xa cha mẹ đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Một số trẻ có biểu hiện thờ ơ về mặt cảm xúc và khắt khe với người khác, đó là vì từ nhỏ chúng chưa bao giờ nhận được tình yêu thương và sự ấm áp từ cha mẹ.
Do vậy, chúng khó lòng đối xử thân thiện với mọi người xung quanh. Những đứa trẻ này thường không hòa đồng, tự ti, và một số còn có hành động thô bạo vì cảm giác tự ti của mình, cho thấy nội tâm của chúng thiếu an toàn. Bên cạnh đó, việc thiếu thói quen sống lành mạnh và phẩm chất đạo đức kém cũng là những vấn đề nổi bật ở những trẻ phải sống xa cha mẹ.
Bên cạnh những trường hợp trẻ em phải sống xa cha mẹ, còn có tình huống cha mẹ ở cùng con nhưng lại giao việc chăm sóc cho ông bà. Điều này thường gây ra nhiều mâu thuẫn do sự khác biệt về quan điểm giáo dục giữa các thế hệ.
Ví dụ, ông bà và cha mẹ có thể có những thói quen sinh hoạt và phương pháp nuôi dạy khác nhau. Đặc biệt, ông bà thường có xu hướng chiều chuộng cháu, khiến trẻ trở nên kiêu ngạo và ương ngạnh. Để khắc phục những vấn đề này, cha mẹ cần vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và tự mình đảm nhận trách nhiệm nuôi dạy con.
Nếu không, khi ông bà trở thành người thay thế vai trò của bố mẹ trong mắt trẻ, mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ ruột sẽ trở nên xa cách, dẫn đến khó khăn trong việc giáo dục con cái. Người ta thường nói rằng mọi nỗ lực sẽ được đền đáp, và điều này cũng đúng trong việc nuôi dạy con cái.
Cha mẹ càng dành nhiều thời gian, công sức cho con thì mối quan hệ giữa họ càng sâu sắc và gắn kết. Làm cha mẹ, nhiều việc có thể nhờ người khác được, nhưng việc nuôi dạy con cái nhất định phải do chính mình đảm nhận.
Phàn Tổ An/ Skymomy & NXB Dân trí
Nguồn Znews : https://znews.vn/giao-toan-bo-viec-nuoi-duong-con-cho-ong-ba-dieu-gi-se-xay-ra-post1533885.html