Giáo viên kiến nghị
Nhiều giáo viên chủ nhiệm ở thành phố Vinh, Nghệ An đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng khi cho rằng thời gian qua việc tính tiết dạy thừa giờ và việc chỉ trả tiền cho những tiết dạy này chưa hợp lý.
Cụ thể, theo nhiều giáo viên, Thông tư 28/2009/TT - BGD ĐT quy định định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/1 tuần. Tuy nhiên, nếu giáo viên kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác như giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ trưởng tổ chuyên môn được giảm 3 tiết/tuần, thư ký hội đồng trường, giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2 tiết/tuần.
Theo quy định trên, các giáo viên chủ nhiệm đứng đơn cho rằng, họ chỉ cần dạy thực tế là 20 tiết/tuần. Các vị trí khác cũng cần được giảm số tiết tùy vào vị trí kiêm nhiệm. Thế nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn đang phải dạy từ 22 - 23 tiết và không được tính tiền thừa giờ dù nhà trường vẫn tiến hành thu “tiền học 2 buổi/1 ngày” của phụ huynh.
Với các tiết thừa giờ của giáo viên chủ nhiệm, trong học kỳ 1, giáo viên được trả thừa giờ là 35.000 đồng/1 tiết. Mức chi trả này không đúng với quy định trả tiền thừa giờ được quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT - Bộ GDĐT - BNV - BTC (tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%).
Các giáo viên chủ nhiệm cũng cho biết, hiện nay các tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, nhà trường không tính là tiết dạy chính khóa. Thay vào đó, trường lại cho rằng đây là nhiệm vụ, hoạt động bắt buộc của giáo viên chủ nhiệm. Điều này, trái với các quy định tại Thông tư 3535/BGDĐT-GDTH và Thông tư 32/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan chức năng nói gì?
Liên quan đến đơn kiến nghị của một số giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh về vấn đề tính và chi trả tiết dạy thừa giờ, phóng viên Tiền Phong đã có buổi làm việc với bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh (Nghệ An).
Bà Hoàng Phương Thảo cho biết, phía phòng nhận được đơn và đã có buổi làm việc với giáo viên chủ nhiệm. Trước đó, Phòng cũng đã có công văn số 186 trả lời trường Tiểu học Hưng Bình thành phố Vinh (Nghệ An) về những kiến nghị đề xuất của tập thể giáo viên trong trường. Trong công văn này, Phòng GD&ĐT thành phố Vinh nêu rõ, khoản thu tăng tiết từ học sinh không dùng để trả tiền thừa giờ cho các tiết kiêm nhiệm. Các tiết kiêm nhiệm, nếu được tính là thừa giờ sẽ được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Một tiết hoạt động tập thể của trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh, Nghệ An).
Chia sẻ về phản ánh giáo viên được phân công dạy 22,23 tiết/1 tuần nhưng không được tính tiết thừa giờ, bà Hoàng Phương Thảo cho biết các giáo viên cần hỏi lại hiệu trưởng vì hiệu trưởng là người phân công dạy, tính tiết thừa giờ và vấn đề này còn phụ thuộc vào kế hoạch của nhà trường.
Bà Hoàng Phương Thảo giải thích: “Chào cờ là tiết học hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên tiết này tính cho thầy cô giáo nào chịu trách nhiệm thì tùy thuộc vào kế hoạch của nhà trường. Tiết chào cờ có thể là 1 người đứng lớp, hoặc hiệu trưởng giao cho 2,3 người soạn nội dung chương trình đó, tùy theo chủ đề. Vậy thì tính cho 2,3 người đó thôi. Còn giáo viên chủ nhiệm tham gia với lớp là thực hiện nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm”. Bà Thảo cho biết thêm, những năm qua, các trường thực hiện cùng lúc 2 chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018 thì vấn đề chào cờ và sinh hoạt lớp là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm.
Về vấn đề chi trả cho giáo viên, bà Thảo cho biết hiệu trưởng sẽ căn cứ vào ngân sách giao cho trường hàng năm để chia ra các khoản như sắm sửa cơ sở vật chất, sửa chữa, tổ chức các hoạt động dạy học, chuyên môn….
“Khoản tiền thừa giờ sẽ được hiệu trưởng tính chiếm bao nhiêu % trong tổng định mức ngân sách giao rồi chia ra để xác định mỗi tiết được trả bao nhiêu tiền. Chứ không thể lấy đâu ra được nữa”, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Vinh nói và cho biết, vào đầu năm học, các trường đã xây dựng kế hoạch. Vấn đề này được thảo luận, thống nhất qua hội nghị cán bộ công nhân viên chức đầu năm. Tuy nhiên, có thể các giáo viên đã không để ý đến vấn đề này.
Ngọc Tú