Giàu mà không bảo vệ được quyền riêng tư thì cũng không an toàn và hạnh phúc

Giàu mà không bảo vệ được quyền riêng tư thì cũng không an toàn và hạnh phúc
5 giờ trướcBài gốc
Cần có đạo luật về dữ liệu cá nhân
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), thực tế tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi.
Theo bà Nga, từ những thông tin như số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế… đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép. Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với loại tội phạm này.
“Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh đồng bộ và đầy đủ về dữ liệu cá nhân. Chính vì vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cấp thiết”, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh về quyền con người, quyền công dân.
“Giàu có mà không bảo vệ được các quyền nhân thân, quyền riêng tư thì cuộc sống cũng không an toàn và hạnh phúc. Đây là luật mới nhưng dự thảo luật cần được soạn thảo chặt chẽ, bao quát, phù hợp và có chất lượng cao”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá.
Ông Nghĩa cũng đề nghị bổ sung vào luật hành vi “giả mạo dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng xấu, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” để đảm bảo bao quát hơn.
Ngoài ra, ông Nghĩa đề nghị cần quy định cấm “cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân hợp pháp”, bởi theo Bộ luật Dân sự, công dân có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình.
Về khoản 7, điều 7 dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bỏ từ “cố ý”, quy định thành “cấm chiếm đoạt, làm lộ, làm mất dữ liệu cá nhân”, bởi việc “làm lộ, làm mất” dù vô ý cũng có thể gây ra thiệt hại rất lớn. Việc bỏ yếu tố chủ quan đi sẽ làm cho những người đang nắm giữ những dữ liệu cá nhân đó phải hết sức thận trọng.
Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cũng nêu, trong nền kinh tế số và xã hội số hiện nay, dữ liệu cá nhân trở thành một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng. Do đó các quy định của dự thảo luật là cần thiết, phải cân bằng được 2 mục tiêu là bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và phục vụ sự phát triển kinh tế.
“Để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khả thi trong thực tiễn, tôi đề xuất bổ sung, quy định rõ về danh mục các chế tài có thể áp dụng, cơ sở pháp lý để thực hiện và thẩm quyền của các cơ quan có liên quan”, bà Yến nói.
Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) phát biểu
Đại biểu Yến cũng đề xuất cần có cơ chế giám sát để bảo đảm việc áp dụng chế tài đúng quy định, tránh tình trạng lạm quyền, hoặc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quyền riêng tư không thể coi là hàng hóa, tài sản thông thường
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định việc sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam là rất cần thiết. Do vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội điều chỉnh, cho phép thông qua tại 1 kỳ họp thay vì 2 kỳ họp như dự kiến.
Theo ông Quang, dữ liệu cá nhân gắn với mỗi con người, thể hiện quyền nhân thân, quyền riêng tư càng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại gia tăng, đe dọa đến vấn đề về an ninh con người.
“Mục tiêu của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang diễn ra nhức nhối trong thực tiễn, đồng thời cũng mang tính dự báo, bao quát để quy phạm các vấn đề mới liên quan đến công nghệ đột phá của kỷ nguyên số để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu
Báo cáo thêm về vấn đề cấm mua bán dữ liệu cá nhân mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay còn hạn chế. Tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa được hiểu đầy đủ, tạo ra những “vùng xám” trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.
“Dữ liệu cá nhân với đặc tính là gắn liền với con người, quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư, không thể coi là hàng hóa, tài sản thông thường. Đây là một loại tài nguyên đặc biệt. Do vậy, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất. Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác”, ông Quang nói.
Ông Quang cho hay quan điểm này phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đó là giới hạn ranh giới giữa sử dụng và định đoạt, ưu tiên phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ, thiết lập các quy định, cơ chế quản lý việc sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân không vi phạm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng theo đại tướng Lương Tam Quang, thực tế qua các vụ lừa đảo về chiếm đoạt tài sản với tài sản quy mô lớn đã được triệt phá thời gian vừa qua cho thấy yếu tố lộ, lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.
Lãnh đạo ngành công an nhấn mạnh rằng hiện nay nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ, phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân, dẫn đến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao và cập nhật theo thời gian thực để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển, giao hàng.
“Nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh, thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành “chợ đen” về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, ông Quang nêu.
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/giau-ma-khong-bao-ve-duoc-quyen-rieng-tu-thi-cung-khong-an-toan-va-hanh-phuc-232962.html