Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Lộ lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi
Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu thực tế, thời gian qua, hiện tượng lộ lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Từ những thông tin tưởng như vô hại như số điện thoại, địa chỉ email đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép.
Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền và đấu tranh với loại tội phạm này, gây phần nào bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Do vậy, theo đại biểu, việc Quốc hội xem xét ban hành luật này là hết sức cấp thiết nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số và thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững.
Tại Khoản 5 Điều 7 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân.
Cơ bản tán thành với quy định trên, tuy nhiên đại biểu Việt Nga cho rằng, nếu quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ hợp lý sẽ gây khó khăn trong thực thi, đồng thời có thể triệt tiêu một số mô hình kinh doanh số hợp pháp đang phát triển.
Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý theo hướng: “Nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.”
Bên cạnh đó, đại biểu Việt Nga cũng cho rằng, việc tham khảo những kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp xây dựng được một đạo luật vừa nghiêm minh, vừa thực tiễn, vừa tạo được niềm tin của người dân, vừa thúc đẩy được sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đồng tình với quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất chỉ nên cấm mua bán dữ liệu cá nhân phi pháp, bất hợp pháp, không đúng quy định pháp luật.
Đại biểu nêu quan điểm, việc mua, bán dữ liệu cá nhân vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội, vì mục đích riêng tư của cá nhân mà chủ thể dữ liệu cá nhân đồng tình, đồng ý mua bán với nhau thì nên cho phép. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, cần quan tâm cấm đối với những hành vi mua bán dữ liệu cá nhân nhạy cảm, những dữ liệu không được sự cho phép của chính quyền.
Cần chế tài mạnh hơn
Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật như tờ trình Chính phủ nêu, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) nêu thực tế, hiện nay còn nhiều hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân khi sử dụng thiết bị công nghệ, như camera an ninh, internet vạn vật...; trong đó những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ thu thập dữ liệu cá nhân ngoài sự kiểm soát của người dùng, hoặc yêu cầu quyền thu thập dữ liệu không cần thiết vào thông tin của người dùng.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Vì vậy, theo đại biểu, song song với thực thi luật cần có các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc sản xuất, kinh doanh các thiết bị, ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu cá nhân nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng.
Để luật thực sự có sức răn đe, đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng không chỉ dừng lại các quy định trên giấy, cần đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về công nghệ thông tin và nghiệp vụ điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và chính quyền địa phương; tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cùng với đó, theo đại biểu, quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, quy trình điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến dữ liệu cá nhân cũng cần được quy định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm xử lý kịp thời, nghiêm minh. Chỉ khi chế tài xử phạt được áp dụng một cách kiên quyết, các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh được triển khai đồng bộ, hiệu quả thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn này.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất phải bổ sung, sửa đổi các quy định về chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn để xử lý những hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo đại biểu, hiện tại các chế tài xử phạt vi phạm về quyền riêng tư, về sự riêng tư nói chung và dữ liệu cá nhân riêng tư nói riêng vẫn còn thấp so với các chế tài ở các quốc gia khác, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, chưa bảo đảm được tính răn đe.
“Chế tài xử phạt nghiêm minh, khả thi không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững”, đại biểu nêu rõ; đồng thời đề xuất cần có cơ chế giám sát để bảo đảm việc áp dụng chế tài diễn ra đúng quy định, tránh tình trạng lạm quyền hoặc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân liên quan.
Không để hình thành “chợ đen” về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả rất lớn
Phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh: Hiện nay các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tài sản quy mô lớn thời gian vừa qua đã triệt phá, đấu tranh thì yếu tố lộ lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội. Việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa diễn ra với số lượng dữ liệu cá nhân rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng các kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác và dễ dàng.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
“Nếu không quy định việc cấm mua, bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành “chợ đen” về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cho biết: Dự thảo luật cũng đã bổ sung, chỉnh lý để điều chỉnh hoạt động cho thuê, mượn dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi trái pháp luật, thể hiện ở khoản 5, Điều 7 về việc cấm sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác, cho người khác sử dụng dữ liệu của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật điều chỉnh cả môi trường truyền thống và môi trường điện tử. Thực tế hiện nay, dữ liệu trong quá trình thu thập, xử lý có thể được chuyển trạng thái liên tục giữa môi trường truyền thống và môi trường điện tử, nếu chỉ quy định trong môi trường điện tử sẽ tạo khoảng trống pháp lý, tạo kẽ hở để tội phạm lợi dụng xâm phạm dữ liệu cá nhân.
"Về thủ tục hành chính, Ban soạn thảo đã tiếp thu, cắt giảm triệt để, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho cá nhân và doanh nghiệp", Bộ trưởng khẳng định.
THU HẰNG