'Gieo chữ' nơi đảo xa

'Gieo chữ' nơi đảo xa
3 giờ trướcBài gốc
Ở đâu có chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, ở đó sự nghiệp ươm mầm cho những thế tương lai vẫn cứ tiếp nối và phát triển.
Ở tuổi 55, thầy Phan Quang Tuấn (Giáo viên trường Tiểu học Sinh Tồn - tỉnh Khánh Hòa) quyết định bắt đầu lại với ước mơ cống hiến cho Trường Sa từ thời trai trẻ. Tại đảo Sinh Tồn, thầy đảm nhận nhiệm vụ “2 trong 1”: sáng dạy mầm non ca múa nhạc, chiều cùng học sinh lớp 1 tập đánh vần từng chữ cái. Một hành trình giản dị nhưng đầy cảm hứng.
Thầy giáo Tuấn chia sẻ: "Là con người Việt Nam, ai cũng yêu quê hương đất nước. Tôi chưa từng được đứng trong hàng ngũ bộ đội, thế nên, từ hồi trai trẻ tôi luôn ước mơ được đi Trường Sa, nhưng lúc đó vì nhiều điều kiện nên tôi chưa đi được. Đến tháng 6/2023, được sự đồng ý của Hiệu trưởng nhà trường và gia đình tôi cũng ổn định, con cái cũng lớn nên tôi quyết tâm làm đơn tình nguyện đi Trường Sa".
Trong lớp học đặc biệt dưới tán lá bàng vuông, phong ba, bão táp, tiếng hát của thầy và trò Trường tiểu học Sinh Tồn hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng biển…
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội chia sẻ: "Các thầy cô, giáo ở đây đã có sự hi sinh rất lớn, chia sẻ khó khăn ở đảo và dạy dỗ các em học sinh với tinh thần và trách nhiệm rất lớn".
Chuyện dạy và học trên đảo Trường Sa là một hành trình đầy cảm xúc và ý nghĩa. Những giáo viên nơi đây không chỉ là những người truyền đạt kiến thức, họ còn là người gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc sống ở Trường Sa tuy khó khăn nhưng chính tình yêu quê hương, đất nước đã làm cho những câu chuyện ấy trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Kim Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/gieo-chu-noi-dao-xa-334105.htm