Khởi nghiệp từ 3 triệu đồng
Dù trở về quê chỉ ít ngày với lịch trình bận rộn, ông Lê Văn Ba vẫn dành thời gian chia sẻ câu chuyện về hành trình làm nông nghiệp công nghệ cao với người thân tại quê nhà. Ông kể: “Thời thanh niên, tôi từng nghe nói về vùng đất đỏ bazan màu mỡ, rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1992, ở tuổi 21, tôi quyết định rời quê, vào huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp”.
Trang trại trồng cà chua của ông Lê Văn Ba tại tỉnh Lâm Đồng.
Từ số tiền ít ỏi 3 triệu đồng nhờ người thân vay vốn ưu đãi, ông tìm hiểu kỹ chất đất và quyết định đưa cây cà chua vào trồng thử nghiệm. Thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên, toàn bộ lợi nhuận thu về tiếp tục được ông mua đất mở rộng quy mô, có thời kỳ chuyển sang chăn nuôi gà, lợn và trồng hoa cao cấp.
Dưới bàn tay của người nông dân cần cù, chăm chỉ, cây trồng, vật nuôi đều sinh sôi, phát triển tốt. Tuy nhiên ông lại phải đối mặt với thử thách mới, đó là quy mô các trang trại lên đến hơn 20 nghìn con gà, gần 300 con lợn; hơn 1 ha hoa ly ly nhưng chỉ thu hoạch được vài năm thì thất bại. Ông thấm thía bài học: Làm nông nghiệp mà chỉ đơn thuần bằng đam mê, chăm chú đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất mà không tính toán đến quy hoạch, chiến lược phát triển, tổ chức sản xuất gắn với liên kết thì thiệt hại là điều khó tránh.
Gượng dậy sau thua lỗ, từ năm 2014 đến nay, ông Ba bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao; mạnh dạn đưa cây trồng vào trồng trong nhà kính, trên giá thể, trên tầng thượng mà không dùng đất, chỉ sử dụng xơ dừa và dinh dưỡng hòa tan trong nước. Người dân trong vùng khi thấy phương pháp này của ông, hầu như ai cũng nửa tin nửa ngờ, tò mò đợi ngày thu hoạch. Chỉ đến khi mắt thấy, tay sờ vào những chùm quả sai trĩu, căng mọng, đều tăm tắp, chất lượng vượt trội, đặc biệt là giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại áp dụng theo phương pháp canh tác thông thường thì bà con mới tin tưởng, xin tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất của HTX.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Từ khi bén duyên với công nghệ cao, HTX An Phú canh tác hoàn toàn chủ động, không còn phụ thuộc vào thời tiết hay mùa vụ. Nói như lời Giám đốc Lê Văn Ba, chỉ cần thị trường có nhu cầu là HTX có thể gieo trồng ngay. Hiện nay, HTX duy trì 3 cây trồng chính là cà chua, dưa leo và ớt, tất cả đều là giống nhập ngoại, cho giá trị kinh tế cao. Giơ điện thoại thông minh khoe với tôi hình ảnh chùm cà chua Picota tròn mọng lấp ló sau những chiếc lá, ông Ba nói: “Đây là giống cà chua quả nhỏ, tròn như quả trứng gà, có màu đỏ tươi bắt mắt, rất được ưa chuộng bởi hương vị ngọt, thanh mát và giòn đặc trưng. Loại cà chua này có nguồn gốc từ Hà Lan. Còn kia là ớt Sweet Palermo, hay còn gọi ớt ngọt, được mệnh danh là “vua” của các loài ớt. Các sản phẩm này có giá bán hơn 100 nghìn đồng/kg”.
Nhờ có hệ thống tự động hóa kết nối với điện thoại thông minh nên khi cần điều chỉnh chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH của vườn cây…, ông Ba chỉ soạn lệnh, ấn nút là hệ thống tự động vận hành. Dựa trên nền tảng này, ông hướng dẫn thành viên của HTX áp dụng chế độ chăm bón phù hợp nhất cho cây, tối ưu hóa việc sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Khi đưa ra thị trường, trên mỗi bao bì sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, uy tín, thương hiệu của HTX ngày càng nâng lên.
Đến nay, HTX An Phú đã chuyển giao khoa học và liên kết với 17 hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô hơn 10 ha, cung cấp cho thị trường gần 200 tấn nông sản tươi/tháng. Trong đó, 30% sản lượng dành để xuất khẩu, còn lại tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị trong nước.
Ấn tượng nữa về lão nông Lê Văn Ba là cách nghĩ, cách làm nông nghiệp có nhiều điểm khác so với những người đi trước. Ông xây dựng chiến lược phát triển cho HTX An Phú theo thế kiềng 3 chân “trang trại vệ tinh”, không tập trung ở một địa điểm mà nằm trên địa bàn 3 huyện: Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà (cùng thuộc tỉnh Lâm Đồng). Bằng kinh nghiệm thực tiễn và vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, các trang trại nhanh chóng phát triển, được ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao.
Với cách làm đó, từ một, hai hộ thành viên ngày đầu, đến nay HTX chuyển giao khoa học, liên kết với 17 hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô hơn 10 ha, trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường gần 200 tấn nông sản tươi, trong đó 30% sản lượng dành để xuất khẩu. Riêng gia đình ông Ba có 2 ha, doanh thu đạt từ 4 - 6 tỷ đồng/năm/ha.
Nâng giá trị nông sản
Khi đã tích lũy được kinh nghiệm và làm chủ khoa học kỹ thuật, Giám đốc HTX An Phú thực hiện phương châm “kinh doanh trước, sản xuất sau” tức là chủ động tiếp thị, quảng bá, giới thiệu nông sản tại sàn thương mại điện tử, các hội chợ, triển lãm và thông qua các nền tảng truyền thông. Những hình ảnh giới thiệu trên các kênh thông tin phản ánh chân thực quá trình sản xuất, thu hoạch, được bạn hàng gần xa đón nhận và đặt mua với số lượng ngày càng nhiều.
Đà Lạt là vùng sản xuất trái cây lớn nhất cả nước nhưng hầu hết sản lượng xuất bán ở dạng thô, số được chế biến sâu chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thêm nữa, nông sản chín rộ, phải thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn nên có thời điểm bà con phải bán ra thị trường sản phẩm chất lượng với giá thấp. Bất cập này cũng là trăn trở của ông Ba nhiều năm. Trong chuyến về quê lần này, ông dành thời gian gặp gỡ với doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực ở thị xã Việt Yên, cũng là người đam mê làm nông nghiệp công nghệ để cùng trao đổi, nghiên cứu hệ thống sấy nông sản. Ông mong muốn HTX An Phú sớm đưa hệ thống sấy rau, củ, quả vào vận hành để hoàn tất quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng thị trường, tăng giá trị cho sản phẩm.
Đứng vững trên thị trường với thương hiệu nông sản sạch An Phú, bao năm qua ông Lê Văn Ba còn giúp nhiều người dân Hiệp Hòa trên quê mới Lâm Đồng hoặc ở quê nhà mở hướng mới trong phát triển kinh tế. Tích cực tuyên truyền các hộ hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Với tấm lòng luôn hướng về quê hương, riêng năm qua, ông Ba ủng hộ kinh phí góp phần cùng cấp ủy, chính quyền giúp thôn Đoàn Kết (xã Thường Thắng) xây dựng hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mai Toan