Trong dịp Tết Nguyên đán, vườn quýt hồng Ba Liên (ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp) là điểm tham quan được nhiều người lựa chọn.
Chị Phan Thị Bích Liên là chủ nhân đời thứ 3 của khu vườn quýt hồng rộng hơn 3ha, lớn bậc nhất ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh NC
Với cách tiếp đón chuyên nghiệp, ân cần cùng vườn quýt hồng đẹp như tranh, những hình ảnh từ vườn quýt hồng Ba Liên lan tỏa mạnh trên mạng xã hội. Đằng sau thành công ấy là câu chuyện của cô gái trẻ cố công gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Thoạt nghe tên vườn quýt là Ba Liên, nhiều người nghĩ đó là tên của một lão nông tri điền miệt vườn Lai Vung. Nhưng không, đó là cô gái sinh năm 1991 Phan Thị Bích Liên.
Khu vườn của chị Liên đang thu hút hàng ngàn khách gần xa ghé thăm mỗi năm, du lịch mang lại nguồn thu chính (Ảnh: CTV).
Chị Bích Liên - chủ nhân đời thứ 3 của khu vườn quýt hồng rộng hơn 3ha, lớn bậc nhất ở huyện Lai Vung nhưng luôn giản dị trong bộ áo bà ba. Gặp chị Liên luôn bận rộn làm vườn như một nông dân thực thụ, ít ai biết cô chủ vườn này đã sở hữu 3 bằng đại học và thông thạo nhiều ngoại ngữ.
Chị Bích Liên kể, trước khi quyết định về quê gắn bó với vườn quýt, chị có công việc tốt ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập 40 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng nặng nợ với cây quýt quê hương nên năm 2020, chị quyết tâm rời phố về quê làm vườn.
Trong dịp Tết Nguyên đán, vườn quýt của chị Liên là điểm tham quan được nhiều người lựa chọn.
"Cây quýt hồng là đặc sản của Lai Vung, vườn quýt của gia đình lại là tâm huyết của ông nội và cha tôi. Thay vì phải ly hương làm ăn xa thì tôi chọn lập nghiệp ngay chính quê hương. Tôi mong muốn giới thiệu trái quýt hồng đến với du khách gần xa, để đặc sản quê nhà được nhiều người biết đến." - chị Liên bộc bạch.
Nghĩ là làm, ngay sau khi về quê, chị đã định hướng hữu cơ hóa khu vườn và làm du lịch nông trại. Từ khi bắt tay chăm sóc vườn quýt, chị đã dốc tâm huyết cải tạo để cảnh quan sinh động, bắt mắt.
Khi vào mùa rộ, khu vườn sai trĩu những chùm trái đỏ vàng, căng mọng. Ảnh CTV
"Tôi muốn bảo tồn giá trị truyền thống, nhưng không thể giữ khư khư lối mòn. Trồng quýt hiện nay chi phí gấp 3 lần thời ông nội tôi làm, nhưng năng suất không khác nhiều, rủi ro sâu bệnh lại cao, vì thế không ít khu vườn trong vùng đã bị chặt bỏ. Nếu không có cải tiến, rất khó để người trồng quýt gắn bó với vườn." - chị Liên khảng định.
Sau 1 năm tiếp quản, năm 2021, chị Liên bắt đầu mở cửa vườn đón khách du lịch. Vào mùa rộ, những chùm quả đỏ vàng, căng mọng ở khắp mọi ngóc ngách của khu vườn. Từ cuối năm đến đầu năm sau là mùa quả chín, cũng là thời gian khu vườn tấp nập khách gần xa.
Theo chị Liên, khi vườn quýt vào mùa, có thể đón từ 30 khách đến 500 khách. Khách ngoại tỉnh và nước ngoài tăng đều qua từng năm, ngoài tham quan, họ còn sử dụng dịch vụ ăn uống do vườn cung cấp.
Mỗi năm vườn thu hoạch trên 15 tấn trái, nhưng tiền bán trái chỉ chiếm 1/3 nguồn thu, phần còn lại là từ du lịch. Dù vậy, mỗi tháng khu vườn chỉ có lãi khoảng 8 triệu đồng.
"Dù thu nhập từ vườn quýt khá thấp, công việc lại vất vả hơn nhiều khi còn ở phố, nhưng tôi luôn thấy vui vì cuộc sống ở quê nhẹ nhàng, trong lành, bình yên. Hơn nữa, khu vườn đang phát triển đúng định hướng tôi mong muốn." - chị Liên chia sẻ.
Cô chủ trẻ nhận định, thu nhập chính của vườn là từ du lịch, vì thế vấn đề đặt ra là cải tạo vườn quýt cho trái quanh năm thay vì 3 tháng như bây giờ. Từ đó, khu vườn mới có thể sức hút hơn và đón du khách quanh năm.
Hiện để tăng thu nhập và góp phần phát triển bền vững cây quýt hồng bản địa, chị Liên dành ra 1 khu đất riêng trong vườn để lai tạo giống mới. Giống quýt mới này có thể cho trái quanh năm.
Theo lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, địa phương cần và khuyến khích những người trẻ có kiến thức, có vốn như chị Liên quay về quê hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp là hướng đi mà huyện Lai Vung cũng như toàn tỉnh Đồng Tháp đang chú trọng thúc đẩy.
Quýt hồng với các đặc trưng da đỏ vàng, mọng nước, ngọt hậu pha chút vị chua là nông sản đặc hữu của huyện, đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Hiện ở Lai Vung có khoảng 300ha vườn quýt.
Năm 2022, vườn quýt hồng Ba Liên tham gia Ðề án Bảo tồn nguồn gien cây quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020-2024, được UBND tỉnh Ðồng Tháp phê duyệt.
Ðề án đưa ra 7 nhóm giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch; khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; cơ giới hóa sản xuất; kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.
Ngọc Phạm