Biểu diễn nghệ thuật nói lý - hát lý trong đám cưới của đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang
Đặc biệt đã phục dựng thành công các nghi thức lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing, kết hợp khai thác, xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch.
Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Giang chia sẻ: “Trong đời sống hiện đại, nhiều nghi thức lễ cưới của đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang có dấu hiệu mai một, để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa trong phong tục tập quán cưới xin, với sự hỗ trợ từ dự án 6, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã tổ chức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như trang phục, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ... Tổ chức lấy ý kiến các già làng, những nghệ nhân, người có uy tín am hiểu nghi thức cưới để biên soạn và phục dựng gần như nguyên bản lễ cưới mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt, chương trình phục dựng nghi thức lễ cưới của đồng bào Cơ Tu tại làng A liêng, xã Tà Bhing đã thu hút 200 diễn viên, nghệ nhân tham gia nghi lễ độc đáo này. Hoạt động đã đón nhận sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng cùng du khách nhiều địa phương khác đến tham dự”.
Người Cơ Tu tôn trọng tình yêu nam nữ trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc
Nam nữ đến tuổi trưởng thành tự tìm hiểu, có tình yêu thì xin phép cha mẹ hai bên, tổ chức lễ chạm ngõ (Ganoo). Sau lễ chạm ngõ là lễ cưới (Bhrớ Bhiêc). Thời gian giữa lễ chạm ngõ và lễ cưới ngắn hay dài là tùy theo hai gia đình, hoặc theo già làng xin phép được thần linh thời điểm nào trong năm. Sau lễ cưới người Cơ Tu có tục đưa dâu về nhà chồng (Dơơng Acoon Chôdông CuDik). Ngày tổ chức lễ cưới, đoàn nhà trai đến nhà gái mang theo những ché rượu, gạo, nếp, mang theo con trâu buộc vào cây nêu trước sân nhà. Mọi người tham dự lễ cưới cùng nhau nhảy múa theo nhịp cồng chiêng... Ba năm sau lễ cưới là lễ ăn Zum (lễ trưởng thành) của vợ chồng. Lễ ăn Zum chính thức diễn ra sau khi có sự thương lượng với họ tộc và già làng, gần như là thêm một lễ cưới nữa. Sau lễ ăn Zum, người con gái về ở hẳn bên nhà chồng, không còn lui tới nhà cha mẹ đẻ của mình nữa.
Một nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới người Cơ Tu là đại diện hai bên nhà trai, nhà gái sử dụng nghệ thuật nói lý - hát lý để trao đổi những thủ tục trong cưới hỏi, chúc mừng, bảo ban, dặn dò cô dâu chú rể để sống hạnh phúc. Sau khi đã chọn được ngày cưới, nhà trai chọn những người lớn tuổi, có kiến thức, có lý lẽ, biết đối đáp để đến nhà gái thương lượng mọi chuyện với nhà gái bằng lối hát lý. Phía nhà gái cũng chọn những người có uy tín, có lý lẽ khôn ngoan nhất để hát lý đối đáp với phía nhà trai.
Đại diện hai bên gia đình trao tặng lễ vật
Phòng VHTT huyện Nam Giang cũng ghi hình, tổ chức tuyên truyền nghi thức lễ cưới truyền thống sâu rộng đến bà con Cơ Tu. Bên cạnh đó hướng đến xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, quảng bá nét đẹp văn hóa phi vật thể độc đáo này đến với du khách gần xa để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu, phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Với sự hỗ trợ dự án 6, địa phương cũng triển khai hỗ trợ âm thanh, cồng, chiêng cho các tổ dân phố, các thôn trên địa bàn huyện; tập huấn, truyền dạy, phát huy giá trị các văn hóa truyền thống của đồng bào như hát múa cồng chiêng, hát lý nói lý, nghề dệt thổ cẩm….
Ưu tiên hỗ trợ khôi phục bảo tồn các lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một và các lễ hội tiêu biểu nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch và tổ chức các hội nghị lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
KHÁNH CHI