Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Tết ông Công, ông Táo

Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Tết ông Công, ông Táo
5 giờ trướcBài gốc
Thả cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo
Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện-ác của con người. Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân lại làm lễ cúng ông Công, ông Táo về trời.
Mỗi gia đình đều có cách bày biện mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo mang đặc trưng riêng nhưng bộ mũ ông Công, ông Táo và cá chép là những lễ vật không thể thiếu. Những ngày qua, dạo quanh các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng thấy bày bán những bộ mã cúng ông Công, ông Táo. Bà Trần Thị Huệ, người kinh doanh hàng vàng mã tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) cho biết: Thông thường một bộ đồ cúng Táo quân gồm: Mũ, quần áo, đôi hài, và cá chép. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với tâm lý “trần sao âm vậy”, nhiều người sắm cả những vật dụng như: Ô tô, xe máy, điện thoại, nhà cao tầng, tivi, máy giặt, đồ trang sức bằng giấy để cúng ông Công, ông Táo. Chính vì thế, dịp Tết ông Công, ông Táo, tôi thường nhập thêm rất nhiều loại hàng hóa để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cùng với vàng mã, thị trường cá chép cũng sôi động với nhiều mức giá khác nhau, trung bình từ 10 nghìn đồng - 30 nghìn đồng/con.
Lễ cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn luôn hướng con người tới những điều thiện, điều tốt lành. Phong tục thả cá chép không chỉ mang ý nghĩa phóng sinh thể hiện tính nhân văn trong truyền thống của người Việt mà còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Trên thực tế, một bộ phận người dân không hiểu đúng bản chất của phong tục cúng ông Công, ông Táo nên họ đã có những cách hành xử kém văn hóa, gây lãng phí tiền của và ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường sống. Theo quan sát của chúng tôi từ những năm trước, sau ngày Tết ông Công, ông Táo, nhiều ao, hồ ngập tràn rác thải túi nilon.
Ông Trần Văn Ước, hộ dân sinh sống ở khu vực cầu An Tảo (thành phố Hưng Yên) bức xúc: Một số người vô ý thức, họ đứng từ trên cầu không chỉ thả cá mà còn thả cả tro bụi, vàng mã, thậm chí rất nhiều túi nilon cũng được thả cùng khiến bờ sông không khác gì một bãi rác. Trong ngày Tết ông Công, ông Táo, hầu hết các gia đình đều mua sắm hàng mã cúng tiễn Táo quân với mức trung bình từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/bộ vàng mã, nhân lên với hàng triệu gia đình sẽ thành số tiền rất lớn. Thậm chí do tâm lý "phú quý sinh lễ nghĩa" nên nhiều gia đình đã không ngần ngại để chi hàng triệu đồng mua các đồ vàng mã như: Nhà lầu, ti vi, tủ lạnh, ô tô, máy bay... để đốt trong ngày Tết ông Công, ông Táo.
Việc đốt vàng mã thái quá, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, gây lãng phí tiền bạc mà còn mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Vì thế, để gìn giữ nét đẹp văn hóa trong ngày Tết ông Công, ông Táo, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, giúp người dân thay đổi thói quen đốt vàng mã sao cho văn minh, tiết kiệm. Cùng với đó, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi thả cá, thả vàng mã xuống sông, hồ, không thả túi nilon và phải bỏ rác đúng nơi quy định. Người xưa đã dạy “lễ bạc tâm thành”, vì vậy người cúng lễ chẳng cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, mà chỉ cần thành tâm, hành thiện mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng. Thêm một Tết ông Công, ông Táo nữa đã đến, Nhân dân lại nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, truyền thống văn hóa lại được tô đậm thêm. Hy vọng mỗi người, mỗi nhà sẽ có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của ngày Tết ông Công, ông Táo bằng cách không lãng phí tiền của mua đồ mã cúng tế và xả rác bừa bãi khi đưa Táo quân về trời.
Phúc Hưng
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/gin-giu-net-dep-van-hoa-ngay-tet-ong-cong-ong-tao-3178772.html