Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy
7 giờ trướcBài gốc
Bao năm qua, chị Giàng Thị Nòn (sinh năm 1976) là người giữ “hồn” Then Giáy ở xã Bát Xát và trao truyền nét đẹp văn hóa này cho nhiều học trò. Những ngày đầu tháng 6 âm lịch, trong ngôi nhà xây khang trang ở thôn Làng Pẳn, xã Bát Xát, chị Nòn lại kính cẩn thắp nén hương thơm dâng lên bàn thờ tổ tiên và các vị thần linh, chuẩn bị chu đáo đồ dùng cần thiết khi hành lễ để sang làng bên cúng Then giúp bà con. Chiếc chuông đồng cùng bộ trang phục của Thầy Then đã theo chị hơn 30 năm trên hành trình đến với các bản làng, thôn xóm, thậm chí có những chuyến đi xa ra các tỉnh, thành phố như: Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội…
Là người dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Pẳn, từ nhỏ chị Nòn đã được sống trong không gian bản làng truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Giáy.
Đặc biệt, từ năm 12 tuổi, chị Nòn may mắn được mẹ nuôi là Nghệ nhân Ưu tú Phàn Thị Phổ truyền dạy thực hành nghi lễ cúng Then và những bài cúng Then - tài sản quý được bà sưu tầm qua hàng chục năm thực hành nghi lễ.
Sau nhiều chuyến đi cúng Then theo nghệ nhân Phàn Thị Phổ ở nhiều nơi, với niềm đam mê và sự kế thừa vốn văn hóa sâu sắc từ mẹ nuôi, năm 1995, chị Nòn đã có thể thực hành nghi lễ cúng Then cho các gia đình trong thôn.
Chị Nòn cho biết, cúng Then là một nghi lễ truyền thống và có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào Giáy. Lễ cúng Then diễn ra nhiều nhất vào tháng Giêng âm lịch sau tết Nguyên đán nhưng cũng có thể tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch hằng năm, tùy hoàn cảnh, điều kiện của các gia đình. Khi cúng Then, thầy cúng sẽ làm lễ cầu cho gia chủ luôn khỏe mạnh, bệnh tật tiêu trừ, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hơn 30 năm thực hành nghi lễ cúng Then, đến nay, chị Nòn nắm được các nghi thức cúng Then của dân tộc Giáy như: Then cầu tự, Then “thêm lương” cầu sức khỏe cho người già; Then “bắc cầu” gọi vía người ốm về để tinh thần lạc quan, nhanh khỏi bệnh... Mỗi bài Then khi thực hành lại kèm theo hình thức diễn xướng như hát, múa, kết hợp với một số nhạc cụ nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc.
Chị Nòn chia sẻ: “Là thầy Then nhưng tôi không tuyên truyền mê tín dị đoan, bày đặt cúng bái tốn kém. Tôi luôn giải thích cho bà con hiểu nghi lễ Then của người Giáy mang đến cho con người niềm tin vào cuộc sống, cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, mang lại sự bình an cho con người.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều được hóa giải bằng những bài cúng. Chính vì thế, ai ốm đau, tôi luôn khuyên phải đến bệnh viện để chữa trị. Việc cúng Then chỉ giúp mọi người về mặt tinh thần thêm lạc quan, tin tưởng, chiến thắng bệnh tật”.
Tình yêu với nghệ thuật Then Giáy như “ngọn lửa” cháy mãi, trong 30 năm qua, chị Nòn đã nỗ lực bảo tồn, truyền dạy, đồng thời đưa nét đẹp Then Giáy đến nhiều nơi. Từ năm 2015 đến nay, chị Nòn đã truyền dạy nghi thức cúng Then cho không ít học trò như: Vùi Thị Mắn, Châu Thị Dúm, Liều Thị Phỉ, Lùng Thị La, Vàng Thị Dúm…
Bản thân là thầy Then, là người có uy tín với cộng đồng tại địa phương, ngoài việc tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua các nghi thức cúng lễ, chị Nòn còn sưu tầm và lưu giữ phong tục, tập quán trong việc cưới, việc tang, lễ hội và kinh nghiệm trong lao động, sản xuất để làm nguồn tư liệu truyền lại cho các thế hệ sau kế tục, phát huy truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Với những hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Giáy và những cống hiến trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, trao truyền nghệ thuật Then Giáy cho thế hệ sau, năm 2024, chị Giàng Thị Nòn đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là Nghệ nhân Dân gian.
“Mong muốn của tôi là thế hệ trẻ người Giáy luôn biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, không để bị mai một. Sau này, khi tôi có già yếu đi thì các con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ và kế tục văn hóa truyền thống của gia đình mình, dân tộc mình” - Nghệ nhân Dân gian Giàng Thị Nòn chia sẻ.
Tuấn Ngọc - Tất Đạt
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/gin-giu-net-dep-van-hoa-then-giay-post648020.html