Gìn giữ, phát huy giá trị độc đáo nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Gìn giữ, phát huy giá trị độc đáo nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
10 giờ trướcBài gốc
Tiết mục nghệ thuật hoạt cảnh nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Tây Ninh tại Lễ hội.
Diễn ra từ ngày 23/12 đến hết ngày 30/12, Lễ hội được tổ chức với quy mô 300 gian hàng, bao gồm khu triển lãm phục dựng nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để du khách có thể tự tay tráng bánh, nướng bánh; các đặc sản làm từ bánh tráng phơi sương; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của Trảng Bàng và Tây Ninh; không gian ẩm thực gồm các gian hàng ẩm thực đặc sản của Trảng Bàng và Tây Ninh. Ngoài ra, Lễ hội còn có không gian giới thiệu hàng tiêu dùng, hàng may mặc, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dệt may, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, đặc sản vùng miền của Tây Ninh và các tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Nguyễn Kim Rơi (50 tuổi, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) là nghệ nhân làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng cho biết, gia đình có truyền thống làm bánh tráng được 4 đời. Công đoạn tráng bánh công phu, thủ công hoàn toàn nên khá mất thời gian nhưng thu nhập lại không cao. Lễ hội được tổ chức là dịp để quảng bá và gìn giữ nét đẹp nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Bà mong muốn địa phương có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để họ tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Du khách tham gia lễ hội trải nghiệm nghề tráng bánh.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền, chủ Cơ sở sản xuất bánh tráng dẻo Ngọc Uyên tại thị xã Trảng Bàng cho biết, Lễ hội là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm bánh tráng là đặc sản nổi tiếng của làng nghề bánh tráng truyền thống Trảng Bàng. Qua đó, tạo cơ hội để các doanh nghiệp liên kết, xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động giao thương trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh doanh. Chị mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương của tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nghề sản xuất bánh tráng, tạo nhiều cơ hội xúc tiến thương mại để doanh nghiệp làm bánh tráng phát triển bền vững.
Theo bà Lê Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, Trưởng ban tổ chức Lễ hội, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển hàng trăm năm qua. Món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã và đang là thực đơn không thể thiếu được của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với tỉnh Tây Ninh. Hiện Trảng Bàng có 25 hộ làm nghề bánh tráng phơi sương và có hơn 10 thương hiệu bánh canh nổi tiếng đã góp phần giới thiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đến với thực khách trong và ngoài nước.
Du khách tham quan, mua sắm đặc sản bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tại lễ hội.
Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được duy trì nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề làng bánh tráng phơi sương; đồng thời, đây là dịp để tôn vinh các nghệ nhân đang thực hành gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của nghề.
Thị xã Trảng Bàng đang lưu giữ 22 di sản văn hóa vật thể, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa độc đáo của chính quyền và nhân dân, được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Bài và ảnh: Minh Phú (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/gin-giu-phat-huy-gia-tri-doc-dao-nghe-lam-banh-trang-phoi-suong-trang-bang-20241223220909410.htm