Trái ngược với thông lệ nhiều năm qua, năm nay tài chính không còn là “linh hồn” của nghị sự. Chính sách thuế quan mới của Mỹ - được giới chuyên gia đánh giá là mang tính "bảo hộ chủ động" - đã ngay lập tức đẩy thương mại lên vị trí trung tâm của thảo luận.
Các mức thuế nhập khẩu cao bất ngờ áp dụng đối với nhiều mặt hàng từ châu Á và châu Âu không chỉ làm rung chuyển thị trường tài chính mà còn thổi bùng nguy cơ chiến tranh thương mại diện rộng. Trong một hệ thống chuỗi cung ứng vốn đã đứt gãy sau đại dịch và xung đột Ukraine, hành động này của Mỹ như giọt nước tràn ly, buộc các phái đoàn dự hội nghị IMF-WB phải đặt việc “giảm thiểu thiệt hại” lên ưu tiên hàng đầu.
IMF trong báo cáo mới nhất cảnh báo, nếu làn sóng bảo hộ lan rộng, tăng trưởng toàn cầu năm nay có thể mất ít nhất 0,8%, và giảm sâu tới 1,3% vào năm 2026. Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh tới những tác động dây chuyền: Giá hàng hóa tăng, chi phí đầu vào leo thang, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thu hẹp - nhất là tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn lại bận rộn với tính toán trả đũa. Thay vì tìm kiếm những giải pháp toàn cầu, nhiều cuộc tiếp xúc song phương tại Washington đang trở thành đấu trường mặc cả thuế quan giữa Mỹ và các đối tác.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm đáng kể nhưng không rơi vào suy thoái.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu càng làm bức tranh thêm u ám. IMF hồi đầu năm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 đạt 3,3%, song đã nhanh chóng cảnh báo sẽ điều chỉnh giảm trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới sắp tới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng xác nhận GDP toàn cầu năm 2024 chỉ đạt khoảng 3,2%, thấp hơn mức trung bình trước đại dịch.
Sau đại dịch COVID-19, thế giới bước vào chu kỳ phục hồi kéo dài nhưng kém hiệu quả. Lạm phát tại các nền kinh tế phát triển hạ nhiệt chậm hơn kỳ vọng, trong khi nợ công toàn cầu đã vượt mốc cảnh báo. Có hơn 60 quốc gia - phần lớn là các nước có thu nhập thấp và trung bình - đang ở mức nợ công không bền vững. Trong điều kiện lãi suất duy trì cao, đồng USD mạnh lên, và rủi ro tài chính gia tăng, gánh nặng trả nợ với các quốc gia nghèo càng trở nên chồng chất. IMF thẳng thắn nhận định rằng, hệ thống tái cơ cấu nợ hiện tại - trong đó G20 đóng vai trò chính - đang bộc lộ sự chậm chạp, thiếu thực chất và thiếu cam kết từ các chủ nợ lớn. Câu hỏi đặt ra không chỉ là: Ai sẽ giúp các quốc gia đang mắc kẹt trong nợ nần? Mà còn là: Có còn ai muốn giúp nữa không?
“Việc làm - con đường tới thịnh vượng” là chủ đề chính thức của Hội nghị mùa Xuân năm nay. Theo WB, thế giới sẽ có khoảng 1,2 tỷ thanh niên bước vào độ tuổi lao động trong thập kỷ tới, nhưng chỉ có 400 triệu việc làm mới được tạo ra. Sự chênh lệch đáng báo động này không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là ngòi nổ tiềm tàng cho các bất ổn xã hội, khủng hoảng di cư và xung đột trong tương lai.
Chủ tịch WB Ajay Banga nhấn mạnh rằng, phát triển việc làm phải đi đôi với cải cách thể chế, thúc đẩy khu vực tư nhân và đổi mới chiến lược năng lượng. Thế nhưng, khẩu hiệu “việc làm để thịnh vượng” dường như đã bị lấn át bởi những nỗi lo tức thời khác: Áp lực thuế quan, lạm phát, dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và niềm tin suy giảm vào vai trò dẫn dắt của các định chế tài chính quốc tế.
Trong bức tranh xám màu của hội nghị, vẫn còn một điểm sáng: Tài chính khí hậu. Dù chịu áp lực từ chính quyền Mỹ, WB vẫn tuyên bố sẽ giữ cam kết phân bổ 45% tổng tài trợ cho các dự án liên quan đến khí hậu, coi đây là trụ cột phát triển toàn diện. Chủ tịch Ajay Banga khẳng định: “Khí hậu không thể tách rời khỏi phát triển. Hai mục tiêu này là một”.
Điểm đáng chú ý là việc WB đang xem xét sửa đổi chính sách cấm đầu tư vào điện hạt nhân - mở đường cho chiến lược năng lượng tổng thể bao gồm cả năng lượng tái tạo, thủy điện, địa nhiệt, khí đốt và hạt nhân. Cách tiếp cận linh hoạt này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ và nhiều nước châu Phi vốn đang thiếu điện nghiêm trọng. Trong thế giới đang tìm đường trung hòa carbon mà vẫn phải bảo đảm an ninh năng lượng, đây có thể là lối đi khả thi. Dù không chính thức nằm trong nghị sự, vai trò của Mỹ tại IMF và WB vẫn phủ bóng lên toàn hội nghị. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành rà soát toàn diện sự tham gia của Mỹ vào các tổ chức đa phương.
Kết luận dự kiến công bố vào tháng 8/2025, nhưng ngay từ bây giờ đã dấy lên không ít hoài nghi: Liệu Mỹ có tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo, hay sẽ rút bớt cam kết? Một trong những chỉ dấu đáng lo là tương lai của khoản tài trợ 4 tỷ USD cho Quỹ IDA - cơ chế tài chính của WB dành cho các nước nghèo nhất. Khoản hỗ trợ này được chính quyền tiền nhiệm của ông Joe Biden cam kết nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Giới quan sát cảnh báo, nếu Mỹ rút lại tài trợ, IDA sẽ đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lực - một đòn giáng mạnh vào năng lực hỗ trợ các quốc gia dễ tổn thương nhất. Việc Mỹ “trì hoãn chiến lược” đặt ra câu hỏi lớn về tính chính danh và năng lực điều phối của các thể chế Bretton Woods. Nếu vai trò của Mỹ suy giảm, liệu thế giới có chấp nhận sự thay thế nào khác? Và liệu các thiết chế quốc tế hiện nay có đủ sức tái thiết mô hình quản trị để duy trì niềm tin?
Hội nghị mùa Xuân 2025 không chỉ là một sự kiện thường niên - nó phản chiếu những rạn nứt trong lòng hệ thống tài chính toàn cầu. Khi các cú sốc kinh tế, chính trị và khí hậu đan xen, khi các quốc gia co cụm vào chủ nghĩa bảo hộ và các định chế đa phương thiếu sức bật, thế giới đang đi vào một giai đoạn thử thách mới: Thử thách về lòng tin và ý chí chính trị. Liệu thế giới có còn đủ bản lĩnh để bảo vệ một trật tự kinh tế mở, công bằng và bao trùm? Liệu những thể chế được thiết lập từ thế kỷ trước có thể kịp tái sinh để phục vụ một thế giới của thế kỷ XXI? Câu trả lời có thể chưa hiện diện ngay sau khi hội nghị khép lại, nhưng một điều chắc chắn: Nếu không tái thiết, hệ thống tài chính toàn cầu sẽ không thể tránh khỏi vòng xoáy khủng hoảng kế tiếp. Và lúc ấy, sẽ không còn mùa xuân nào đủ sức làm dịu lại những cơn bão đang đến.
Khổng Hà