Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 dường như đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi phát biểu tại Phòng Bầu dục rằng mức thuế cao 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể, nhưng không về mức bằng 0”.
Trước đó, vào ngày 17/4, Tổng thống Trump xác nhận chính quyền của ông đang thực hiện các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Giáo sư Chen Zhiwu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đánh giá rằng những phát ngôn này mang phong cách điển hình của ông Trump và không có gì bất thường.
Giáo sư Chen Zhiwu lập luận: “Thực tế chưa có tiến triển đáng kể hay thay đổi nào trong đàm phán về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng đây là cách Tổng thống Trump bắn tín hiệu tới Trung Quốc. Càng phát biểu theo phong cách này, ông ấy càng bộc lộ lo lắng của phía Mỹ. Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đang chịu áp lực, trong khi phía Trung Quốc không hề có dấu hiệu mất kiên nhẫn”.
Bên cạnh đó, ông Chen Zhiwu dự đoán trong ngắn hạn Trung Quốc dường như sẽ không vội vàng đảm bảo một thỏa thuận với Mỹ, bởi theo thời gian áp lực đối với đội ngũ của ông Trump để chấm dứt cuộc chiến thương mại này sẽ tiếp tục tăng.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 688,3 tỷ USD trong năm 2024 nhưng đang đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh sau hàng loạt vòng leo thang áp thuế trả đũa, trong đó Mỹ đã tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc tới 145%, còn Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%.
Cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng này đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, khiến các thị trường tài chính chao đảo và trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo mạnh trong hai tuần qua.
Đáng chú ý, giáo sư Chen Zhiwu nói: “Về phía Trung Quốc, tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục quan sát và chờ đợi. Càng thấy ông Trump bồn chồn, phía Trung Quốc càng có lý do để không hoảng sợ hay vội vàng”.
Cũng trong ngày 22/4, truyền thông đưa tin rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khi phát biểu tại hội nghị kín dành cho các nhà đầu tư đã thừa nhận cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc dẫn đến tình trạng “cấm vận thương mại hai chiều” không thể duy trì lâu dài, đồng thời ông kỳ vọng tình hình sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Theo The Hill (Mỹ), phát biểu bên lề các cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), ông Bessent tiết lộ các cuộc đàm phán với Bắc Kinh vẫn chưa bắt đầu, nhưng một thỏa thuận là điều có thể xảy ra. Ông nêu bật: “Không ai tin rằng tình trạng hiện tại với mức thuế 145% và 125% có thể duy trì lâu dài. Vì vậy, tôi cho rằng trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ chứng kiến bước hạ nhiệt. Hiện tại, cả hai bên đang áp đặt các biện pháp mang tính chất cấm vận lẫn nhau”.
Bà Alicia Garcia-Herrero tại ngân hàng Natixis (Pháp) đánh giá rằng ông Trump có vẻ đang “không giữ được bình tĩnh” trước tình trạng thị trường lao dốc, lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn ở mức cao, và niềm tin của nhà đầu tư vào đồng USD lung lay.
Bà phân tích: “Ông Trump cần một thỏa thuận nhanh chóng. Trong tình thế này, Trung Quốc không cần phải nhượng bộ quá nhiều, bởi vì phía Mỹ đang muốn một thỏa thuận. Chỉ cần nhập khẩu thêm vài tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, Trung Quốc có thể khiến mức thuế giảm xuống. Thỏa thuận lần này có thể còn có lợi cho Trung Quốc hơn cả năm 2019”. Vào tháng 1/2020, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận "Giai đoạn một" để hạ nhiệt căng thẳng thương mại khi đó. Với Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ.
Ở thời điểm này, nhà kinh tế học Xu Tianchen tại Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc The Economist, nhận định rằng các kế hoạch thuế quan của Nhà Trắng vẫn còn “khá linh hoạt”. Nhưng theo ông, để có thay đổi thực sự, cần xuất hiện những tín hiệu rõ ràng hơn cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu. Ông Xu Tianchen nói: “Những yếu tố chi phí sinh hoạt tăng cao, kinh tế rối ren và người dân bất mãn sẽ buộc ông Trump phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận”.
Sau nhiều lần tăng thuế quan, hiện tổng thuế suất mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, bao gồm 20% đã áp đặt trước đó và 125% nằm trong gói thuế đối ứng. Đáp lại, Bắc Kinh đã có các động thái tăng thuế tương tự, nhưng xác nhận không tiếp tục tăng thuế sau khi áp mức thuế bổ sung 125%.
Tổng thống Trump vào ngày 2/4 công bố áp mức thuế cơ sở 10% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4, cùng các mức thuế đối ứng nhằm vào từng quốc gia là đối tác thương mại của nước này từ ngày 9/4.
Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trừ Trung Quốc. Nhà Trắng giải thích việc này là dành thời gian cho các cuộc đàm phán thương mại, và trong thời gian này, mức thuế chung 10% vẫn có hiệu lực. Theo thông báo mới nhất của Nhà Trắng, đến nay đã có 18 quốc gia đề nghị đàm phán thương mại với Mỹ.
Hà Linh/Báo Tin tức