Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 với chương trình nghệ thuật Âm vang nguồn cội. Nguồn: Sở VHTTDL Phú Thọ
Cội nguồn dân tộc – Giá trị văn hóa thiêng liêng
Năm 2025, Giỗ Tổ Hùng Vương với chủ đề “Âm vang nguồn cội” và “Linh thiêng nguồn cội”... là một lời hiệu triệu mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con – tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng được tôn làm Vua Hùng thứ nhất, lập nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc, đóng đô tại Phong Châu (nay là tỉnh Phú Thọ).
Dưới thời đại các Vua Hùng, dân tộc ta đã xây dựng nền văn minh lúa nước từ rất sớm, đặt nền móng cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vượt khỏi giới hạn một vùng đất, trở thành mạch nguồn tâm linh xuyên suốt lịch sử. Đặc biệt, năm 2012, UNESCO đã vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày lễ lớn, mà còn là dịp nhắc nhở mỗi người con đất Việt gìn giữ bản sắc, biết ơn tổ tiên và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.
Lễ hội Đền Hùng năm 2025 diễn ra từ ngày 29/3 đến 7/4 (từ mùng 1 đến 10/3 Âm lịch) tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với nhiều chuỗi sự kiện: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang nguồn cội”; giải golf “Uống nước nhớ nguồn” – Phú Thọ năm 2025; hội sách Đất Tổ năm 2025; khởi động tour đêm Đền Hùng với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội”.
Lễ hội Đền Hùng cũng tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống; biểu diễn văn hóa, văn nghệ về đêm; chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic”; biểu diễn: hát xoan và văn nghệ quần chúng; giao lưu: các nhóm nhảy thanh niên, ban nhạc của các câu lạc bộ guitar, câu lạc bộ dân vũ, khiêu vũ; trình diễn múa Lân - Sư - Rồng; Festival Tinh hoa võ thuật hướng về cội nguồn; biểu diễn múa rối nước,…
Ngày giỗ Tổ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Không chỉ tại Phú Thọ, các địa phương trên cả nước đều long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm ngày giỗ Tổ. Tại Kiên Giang, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp từ ngày 5 đến 7/4/2025.
Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Nga
Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động: Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, do Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh kết hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Tân Hiệp thực hiện; chiếu phim lưu động; triển lãm hình ảnh về Hùng Vương và các trò chơi dân gian do Bảo tàng tỉnh tổ chức; triển lãm sách của Thư viện tỉnh; triển lãm tem của Hội Tem tỉnh; giải Cúp các Câu lạc bộ Vovinam tỉnh Kiên Giang do Liên đoàn Vovinam và Phòng Quản lý Thể dục thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp thực hiện.
Tại đây cũng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Du lịch và các sở, ngành có liên quan tổ chức; trưng bày Bonsai do Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh tổ chức.
Không gian đờn ca tài tử; hội thi gói và nấu bánh chưng; trưng bày mâm ngũ quả; hội thi chim hót nghệ thuật; giải cờ tướng, cờ vua trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao huyện Tân Hiệp; dưỡng sinh người cao tuổi và các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố; gian hàng giới thiệu việc làm cũng sẽ diễn ra trong Lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
Đền Hùng tại thị trấn Tân Hiệp được xây dựng năm 1957 theo tâm nguyện tưởng nhớ cội nguồn của những cư dân Bắc Bộ di cư vào Nam. Từ kiến trúc đơn sơ rộng 80m2 ban đầu, đến nay, khuôn viên đền rộng 20.000m2, mang dáng vẻ uy nghiêm, được đầu tư với tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Để Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được an toàn, chu đáo, ngày 31/3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trung Hồ đã tổ chức đoàn đi khảo sát, kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Tân Hiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trung Hồ ghi nhận sự quan tâm, chuẩn bị của Ban tổ chức đã nỗ lực chỉnh trang cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân; chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện nhằm ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra,...
Ban Bảo vệ di tích Đền Hùng đã vận động hơn 20.000 suất ăn miễn phí, 15.000 chai nước các loại phục vụ nhân dân trong những ngày diễn ra Lễ giỗ.
Đền thờ Vua Hùng đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tọa lạc tại xã Nam Thái Sơn được xây dựng năm 1943 do 750 gia đình từ Nam Định và Thái Bình vào định cư tại vùng Sóc Sơn, Rạch Giá (nay là huyện Hòn Đất, Kiên Giang), hình thành địa danh Nam Thái Sơn - ghép từ “Nam Định - Thái Bình - Sóc Sơn” để tưởng nhớ cội nguồn.
Ngoài thờ Vua Hùng, sinh hoạt cộng đồng, nơi đây còn là cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Vì thế bên cạnh ngôi đền còn có công trình nhà bia để ghi nhớ công lao của những bậc tiền nhân có công khai khẩn, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ nằm xuống trên mảnh đất này.
Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - gắn kết 54 dân tộc anh em, gắn kết thế hệ trẻ với cha ông, kết nối người Việt trong nước và nước ngoài trong cùng một mạch nguồn văn hóa.
Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 là ngày hội thiêng liêng – nơi hồn thiêng sông núi hội tụ, nơi biểu tượng văn hóa – tâm linh được tôn vinh và tiếp nối các thế hệ. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn và khát vọng vươn lên cùng đất nước.
Dẫu thời gian có trôi qua, hình ảnh các Vua Hùng dựng nước và giữ nước, tinh thần Lạc Hồng đoàn kết, bản lĩnh và kiên cường vẫn mãi là cột mốc son trong tâm hồn mỗi người dân Việt trên mọi miền Tổ quốc.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”
Trương Anh Sáng