Giới chức Mỹ bất ngờ khi Tổng thống Trump bỏ trừng phạt Syria

Giới chức Mỹ bất ngờ khi Tổng thống Trump bỏ trừng phạt Syria
11 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa (trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 14/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo hãng tin Reuters ngày 14/5, tại Mỹ, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính đã phải vội vã tìm cách hủy bỏ các lệnh trừng phạt. Nhiều lệnh trong số đó đã tồn tại suốt hàng thập kỷ.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Nhà Trắng không hề ban hành bản ghi nhớ hay chỉ thị nào cho các quan chức phụ trách trừng phạt tại Bộ Ngoại giao hay Bộ Tài chính để chuẩn bị dỡ bỏ lệnh trừng phạt, cũng không thông báo rằng tuyên bố của tổng thống sắp được đưa ra.
Động thái đột ngột dỡ bỏ trừng phạt dường như là một nước đi điển hình của ông Trump. Đây là một quyết định bất ngờ, một tuyên bố kịch tính và gây sốc không chỉ với đồng minh mà còn với cả những người trực tiếp thực thi thay đổi chính sách.
Sau tuyên bố, các quan chức Mỹ lúng túng vì không rõ chính quyền sẽ tháo gỡ các biện pháp trừng phạt như thế nào, những biện pháp nào sẽ được nới lỏng và khi nào Nhà Trắng muốn bắt đầu dỡ bỏ.
Đến khi ông Trump gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia vào ngày 14/5, các quan chức tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa biết cách tiến hành. Một quan chức Mỹ nói: “Ai cũng đang cố tìm cách thực thi quyết định đó”.
Sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ vào cuối năm 2024, các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã soạn thảo bản ghi nhớ và các phương án để hướng dẫn chính phủ dỡ bỏ trừng phạt Syria nếu chính quyền đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia cũng như một số nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ đã tranh luận về việc có nên nới lỏng trừng phạt hay không, do mối liên hệ trước đây của ông Sharaa với mạng lưới khủng bố al Qaeda. Lãnh đạo Syria này đã cắt đứt quan hệ với tổ chức trên vào năm 2016.
Một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng trước chuyến công du Saudi Arabia, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định.
Theo các nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã đề nghị ông Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt và gặp Tổng thống lâm thời Syria. Trong tuyên bố, ông Trump nói rằng ông làm vậy để cho Syria một cơ hội có tương lai tốt đẹp hơn.
Dù vậy, quyết định của ông Trump có thể không hoàn toàn là bất ngờ. Theo ông Jonathan Schanzer - cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ, các quan chức cấp cao Syria đã tới Mỹ vào tháng trước và vận động mạnh mẽ để dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, nới lỏng trừng phạt Syria có vẻ sẽ không diễn ra ngay lập tức. Bản tóm tắt cuộc gặp giữa ông Trump và lãnh đạo Syria do Nhà Trắng công bố cho biết Tổng thống đã yêu cầu Syria tuân thủ một số điều kiện để được dỡ bỏ trừng phạt, bao gồm yêu cầu tất cả các phần tử khủng bố nước ngoài rời khỏi Syria, trục xuất các phần tử khủng bố Palestine và hỗ trợ Mỹ ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy.
Động thái dỡ bỏ trừng phạt hiếm khi đơn giản, thường đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan khác nhau và cả Quốc hội Mỹ.
Trong trường hợp của Syria, nhiệm vụ này đặc biệt khó khăn do nhiều biện pháp trừng phạt đã cắt nước này khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế và cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng quốc tế.
Mỹ lần đầu tiên đưa Syria vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố vào năm 1979 và kể từ đó đã áp thêm nhiều vòng trừng phạt, bao gồm nhiều biện pháp trừng phạt sau cuộc nổi dậy năm 2011.
Theo các chuyên gia, tháo dỡ các lệnh trừng phạt Syria có thể mất nhiều tháng thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ đã có kinh nghiệm khi nới lỏng trừng phạt Iran trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Nhiệm vụ này càng khó khăn do có các biện pháp trừng phạt theo “Đạo luật Bảo vệ Dân thường Syria Caesar” - còn gọi là “Đạo luật Caesar” được ban hành năm 2019 và được gia hạn vào cuối năm 2024, ngay sau khi chính phủ Syria sụp đổ. Đạo luật này áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt không chỉ với chính quyền ông Assad mà còn cả các công ty hay chính phủ bên ngoài có quan hệ làm ăn với Syria.
Hủy bỏ đạo luật này sẽ đòi hỏi hành động từ Quốc hội Mỹ, nhưng đạo luật có điều khoản cho phép tổng thống đình chỉ trừng phạt vì lý do an ninh quốc gia. Ông Trump cũng có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, Ngoại trưởng Syria Asaad al-Shaibani ngày 13/5 đã hoan nghênh quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước SANA, Ngoại trưởng al-Shaibani gọi đây là điểm ngoặt quyết định với nhân dân Syria, khi tiến tới một tương lai ổn định, tự cường và tái thiết thật sự sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuc-my-bat-ngo-khi-tong-thong-trump-bo-trung-phat-syria-20250515110016763.htm