Cuộc gặp lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa (trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 14/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo kênh CNN, ngày 14/5, Tổng thống Trump đã dùng trà với ông Sharaa, một cựu tay súng thánh chiến. Mỹ từng treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin mà từ đó có thể bắt giữ nhân vật này.
Ông Sharaa, từng được có biệt danh chiến đấu là Abu Mohammed al-Jolani, đã gặp ông Trump tại Riyadh (Saudi Arabia), sáu tháng sau khi ông dẫn đầu chiến dịch chớp nhoáng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, đánh bật các nhóm vũ trang thân Iran và tự tuyên bố là người đứng đầu đất nước.
Ông Sharaa từng bị liệt vào danh sách các phần tử khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt của Mỹ vào năm 2013 vì lãnh đạo nhánh al Qaeda tại Syria là nhóm Mặt trận Al Nusra và bị cáo buộc tổ chức các vụ đánh bom liều chết trên khắp Syria. Là một người gốc Saudi Arabia, cựu tay súng này từng tham chiến chống quân đội Mỹ ở Iraq rồi chuyển sang Syria để lãnh đạo một cuộc nổi dậy Hồi giáo lật đổ ông al-Assad.
Cuộc gặp với ông Trump, được chính quyền Syria mô tả là lịch sử, là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ và tổng thống Syria gặp nhau sau 25 năm. Sự kiện này diễn ra trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump - chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Cả hai nhà lãnh đạo đều tươi cười trong các bức ảnh được Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Saudi Arabia công bố. Bộ Ngoại giao Syria cho biết ông Trump cam kết sát cánh cùng Syria vào thời điểm bước ngoặt này.
Một ngày trước đó, ông Trump tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã tồn tại nhiều thập kỷ đối với Syria – quyết định khiến khán phòng vỗ tay trong 40 giây và khiến Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đứng dậy hoan nghênh.
“Những gì tôi làm là vì Thái tử”, ông Trump nói và ghi công nhà lãnh đạo Saudi Arabia là người dẫn dắt nỗ lực gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà ông mô tả là tàn bạo và bóp nghẹt Syria. Syria đã bị Mỹ liệt vào danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố từ tháng 12/1979.
Nền kinh tế Syria đã bị bóp nghẹt suốt nhiều năm do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nặng nề nhất là Đạo luật Caesar của Mỹ ban hành năm 2019, áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện lên bất kỳ cá nhân, công ty hoặc chính phủ nào hỗ chính phủ của ông al-Assad. Đạo luật này khiến toàn bộ nền kinh tế Syria trở nên không thể tiếp cận. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Syria đã suy giảm hơn một nửa từ năm 2010 đến 2020.
Tính đến năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, 69% dân số Syria sống trong cảnh nghèo đói. Tình trạng nghèo cùng cực ảnh hưởng đến hơn 1/4 dân số và con số này nhiều khả năng còn tồi tệ hơn sau trận động đất tàn phá hồi tháng 2/2023.
Các quốc gia vùng Vịnh đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Syria và vực dậy nền kinh tế nước này, nhưng vẫn e ngại vì nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái của ông Trump sẽ dỡ bỏ rào cản đó, mở đường cho dòng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Trong cuộc gặp, ông Trump đề xuất ông Sharaa thực hiện một loạt biện pháp, bao gồm bình thường hóa quan hệ với Israel, trục xuất các phần tử khủng bố nước ngoài và Palestine, hỗ trợ Mỹ ngăn chặn nhóm khủng bố IS hồi sinh.
Việc đưa Syria trở lại cộng đồng quốc tế đang tiếp sức cho chính quyền non trẻ và tổng thống mới của Syria. Tuy vậy, diễn biến này cũng mở ra cơ hội mở rộng ảnh hưởng tại Syria và thu lợi cho các quốc gia Arab vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là những nước từng hối thúc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.
Bà Natasha Hall thuộc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Việc ông Trump công khai tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria ngay tại Riyadh rõ ràng cho thấy ông ngầm chấp thuận cho những ai đang xem xét đầu tư vào Syria. Điều này đồng nghĩa với việc ông đang trao phần thưởng cho Thái tử Mohammed bin Salman”.
Pháo hoa sáng rực trên bầu trời một số thành phố lớn của Syria sau khi ông Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt. Nhiều bảng quảng cáo cảm ơn ông Trump và Thái tử Mohammed đã xuất hiện.
Đồng lira của Syria đã tăng giá tới 27% so với đồng USD sau tuyên bố của ông Trump. Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Syria, ông Mohammad Nidal al-Shaar, đã bật khóc ngay trên sóng truyền hình của kênh Al Arabiya khi khẳng định rằng Syria giờ đang bước vào một giai đoạn mới.
Cơ hội cho Saudi Arabia
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa (phải, phía trước) tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 14/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trong nhiều thập kỷ, các nước Arab vùng Vịnh bị gạt khỏi Syria khi Iran gia tăng ảnh hưởng thông qua liên minh với ông al-Assad.
Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria đã khiến mối quan hệ giữa nước này và phần lớn các quốc gia Arab rơi vào căng thẳng, cuối cùng dẫn đến việc Syria bị khai trừ khỏi Liên đoàn Arab. Trong vài năm gần đây, các nước vùng Vịnh bắt đầu hàn gắn quan hệ với chính phủ của ông al-Assad và dẫn đầu nỗ lực phục hồi hình ảnh cho nhà lãnh đạo này cho đến khi ông bị lật đổ vào tháng 12/2024. Từ đó, Saudi Arabia và Qatar tăng tốc thúc đẩy tái hội nhập chính quyền mới của Syria vào cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan tuyên bố nước này sẽ đi đầu trong quá trình phục hồi kinh tế của Syria. Những nỗ lực đó có thể giúp nước này trở thành một thế lực mới tại Syria.
Ông bin Farhan nói trong cuộc họp báo ngày 14/5: “Syria sẽ không đơn độc. Saudi Arabia… sẽ đi đầu trong hỗ trợ vực dậy kinh tế… Syria cần một cú hích và sẽ nhận được cú hích đó từ những người anh em trong khu vực”.
Ông Hasan Alhasan – nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế – cho rằng Saudi Arabia có lợi ích địa chiến lược tại Trung Đông và có thể đạt được thông qua ủng hộ chính quyền hiện tại của Syria. Ông bình luận: “Saudi Arabia muốn Syria ổn định và họ nhận ra rằng cách duy nhất để đạt được điều đó là cung cấp cho chính quyền hiện tại các nguồn lực kinh tế cũng như công cụ để đạt được chiến thắng”.
Thách thức với Israel
Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Saudi Arabia từng tiến gần đến một thỏa thuận toàn diện về an ninh và kinh tế mà sẽ dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa vương quốc này và Israel.
Dù ông Trump mong muốn Saudi Arabia công nhận Israel, nhưng không có bước đi nào như vậy được thực hiện trong chuyến thăm Riyadh. Thay vào đó, ông tuyên bố thiết lập quan hệ với ông Sharaa – điều đi ngược lại lợi ích của Israel, quốc gia đã nhiều lần ném bom Syria và chiếm giữ thêm lãnh thổ kể từ khi ông al-Assad bị lật đổ.
Một quan chức Israel nói rằng khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Trump ở Washington hồi tháng 4, ông đã đề nghị Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria vì lo sợ sẽ tái diễn sự kiện ngày 7/10/2023 – khi các tay súng Hamas tấn công Israel.
Ông Netanyahu đã có lập trường cứng rắn với chính quyền mới của ông Sharaa. Những ngày sau khi ông al-Assad bị lật đổ, Israel tiến hành chiến dịch trên bộ sâu chưa từng có vào Syria, chấm dứt trạng thái “láng giềng hữu nghị” kéo dài 50 năm giữa Israel và gia tộc al-Assad.
Chiến dịch leo thang nhanh chóng đã gạt bỏ cam kết ban đầu của ông Netanyahu về sự hòa hiếu. Hàng trăm cuộc không kích nhằm vào kho vũ khí còn sót lại của ông al-Assad, đặc biệt là vũ khí hóa học, nhằm ngăn chúng rơi vào tay các nhóm vũ trang. Israel cũng kiểm soát Núi Hermon – đỉnh núi cao nhất của Syria – vị trí chiến lược có thể quan sát cả Israel, Liban và Syria.
Ông Netanyahu nói trong một tuyên bố tuần trước: “Chúng tôi đã lật đổ ông al-Assad – vốn là mắt xích trên bộ giữa Iran và Hezbollah ở Liban”.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc