Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Chaichan Charoensuk, Chủ tịch Hội đồng vận tải biển quốc gia Thái Lan (TNSC), thông báo rằng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan năm 2024 đã vượt quá kỳ vọng, tăng 5,4% lên mức 300,529 tỷ USD. Tuy nhiên, vào năm 2025, Thái Lan sẽ phải đối mặt với những thách thức từ cuộc chiến thương mại tiềm tàng Mỹ - Trung hiện nay và các tác động liên quan khác.
Trong quý 1 năm 2025, xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 2 - 3%, đạt mức 72,5 tỷ USD, tương đương khoảng trung bình 24 - 25 tỷ USD mỗi tháng. Tuy nhiên, trong quý 2, tác động của chiến tranh thương mại có thể sẽ ảnh hưởng ở mức độ sâu rộng hơn khi Mỹ thay đổi chính sách như các tuyên bố của ông Trump. Điều này đòi hỏi Thái Lan phải theo dõi chặt chẽ hơn cũng như tăng cường hợp tác giữa khu vực công - tư bằng cách đẩy nhanh các cuộc họp thường kỳ của Ủy ban tư vấn chung về thương mại công - tư vào hàng tháng hoặc hàng quý.
Ông Chaichan Charoensuk tuyên bố rằng Thái Lan phải nhanh chóng thành lập “Phòng Chiến tranh Chính sách Trump 2.0” và tổ chức một cuộc họp ngay sau khi Bộ trưởng Thương mại Phichai Naripthaphan trở về từ Mỹ. Điều này sẽ đảm bảo một chiến lược thống nhất giữa chính phủ và khu vực tư nhân cũng như có một lập trường rõ ràng trong các cuộc đàm phán thương mại để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan.
Mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ tác động tiềm tàng đối với các các mặt hàng xuất khẩu chính. Đặc biệt các mặt hàng đồ điện tử, thiết bị điện và sản phẩm cao su của Thái Lan sẽ có thể phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn.
Để giảm thiểu những tác động ban đầu, TNSC đã đề ra hàng loạt biện pháp, trong đó có việc duy trì tính trung lập trong chiến tranh thương mại; củng cố chuỗi cung ứng và hậu cần; nâng cao khả năng cạnh tranh về mặt chi phí, đổi mới; mở rộng sang các thị trường khác như Ấn Độ và Trung Đông, và tối đa hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, tuyên bố rằng những cuộc đàm phán gần đây về thương mại của Mỹ đang tác động ngày càng rõ nét đến thị trường toàn cầu. Cơ quan này đánh giá triển vọng kinh tế Thái Lan theo ba giai đoạn.
Về ngắn hạn, thị trường vẫn trong tình trạng sốc và biến động mạnh. Các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán toàn cầu đang phản ứng với sự bất ổn về những chính sách mới của Mỹ. Đồng baht Thái đang mất giá do dòng vốn chảy ra và mối lo ngại của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay.
Về trung hạn, các doanh nghiệp và thị trường thương mại có khả năng sẽ điều chỉnh theo các biện pháp thuế quan của Mỹ. Các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, có thể đẩy nhanh nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hoặc di dời cơ sở sản xuất và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thương mại trong ASEAN. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tràn ngập các sản phẩm của Trung Quốc vào các thị trường khu vực, làm gia tăng tính cạnh tranh. Chính phủ Thái Lan phải thực hiện các biện pháp bảo hộ để đảm bảo cạnh tranh công bằng và duy trì sự cân bằng của thị trường.
Về dài hạn, rủi ro thương mại toàn cầu và địa chính trị vẫn tồn tại. Sự bất ổn liên tục của chiến tranh thương mại có thể thúc đẩy dịch chuyển sang nội địa hóa chuỗi cung ứng, làm giảm cơ hội cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Thái Lan. Để giảm thiểu rủi ro, Thái Lan phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đẩy nhanh các cuộc đàm phán FTA.
Ông Sanan tuyên bố: “Mặc dù Thái Lan vẫn chưa phải là mục tiêu giám sát chính từ Mỹ, nhưng Phòng Thương mại Thái Lan tin rằng các chính sách thuế quan của Mỹ chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là xuất khẩu. Chúng tôi sẽ đánh giá lại các số liệu sau khi các biện pháp của ông Trump trở nên rõ ràng hơn sau ngày 1/4”.
Để chuẩn bị cho tình hình kinh tế bất ổn, Phòng Thương mại Thái Lan đã đề xuất 3 sáng kiến chính. Đầu tiên là thành lập “Nhóm Thái Lan +”, một lực lượng đặc nhiệm công - tư chung để phân tích tác động chính sách của Mỹ và phát triển chiến lược quốc gia cho các cuộc đàm phán thương mại. Điều này bao gồm việc tăng cường mối quan hệ với Phòng Thương mại Mỹ.
Tiếp đó là tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách tận dụng sự bất ổn của thương mại toàn cầu để thu hút các công ty di dời cơ sở sản xuất thông qua việc đưa ra các ưu đãi đầu tư cạnh tranh.
Và cuối cùng là đẩy nhanh đàm phán FTA, trong đó ưu tiên FTA Thái Lan - EU để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ, mở rộng sang các khu vực như Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Nation Thailand)