Ở một xã hội hiện đại, hình mẫu người phụ nữ hoàn hảo vẫn luôn được ca ngợi như một lý tưởng. Điềm tĩnh, lý trí và luôn biết cách giữ mình trước mọi tình huống là những thứ mà người ta có thể phác họa lên một người phụ nữ hoàn hảo. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng, phía sau lớp vỏ bọc hoàn hảo đó, có thể ẩn giấu một con người đang dần đánh mất chính mình.
Khi cảm xúc trở thành gánh nặng!
Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều người đã được dạy rằng việc biểu cảm quá mức hoặc bộc lộ cảm xúc một cách thái quá là điều không phù hợp và cần phải kiềm chế, đặc biệt là đối với phụ nữ. Cảm xúc của họ luôn bị coi là yếu đuối.
Khi gặp phải những tình huống căng thẳng, thay vì để cảm xúc bộc phát, người phụ nữ hoàn hảo được cho sẽ phải học cách kìm nén, tỏ ra điềm tĩnh và lý tính. Nó không còn mang tính chủ động và vô hình trở thành cơ chế tự vệ được hình thành từ những lần bị chỉ trích, lên án hoặc không đáp ứng được những kỳ vọng về xã hội của một người phụ nữ hoàn hảo.
Tác động nguy hiểm của việc kìm nén cảm xúc
Làm quen với việc giấu cảm xúc trong lòng, vờ như quên đi đang trở thành ngọn sóng, đẩy người phụ nữ xa bờ, nghĩa là xa cách với chính bản ngã của mình. Thực tế, cảm xúc vốn không thể thiếu với con người, giúp ta cảm nhận thế giới xung quanh, kết nối với người khác và đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Khi cảm xúc bị dồn nén, con người dễ rơi vào trạng thái phân ly, cảm giác tách rời với bản thân, thậm chí không còn nhận ra mình đang cảm thấy gì hay đang sống thế nào.
Rối loạn phân ly, trạng thái mà không ít người phụ nữ đã từng đối mặt. Cũng có thể nói nó là hậu quả của việc kìm nén cảm xúc trong thời gian dài. Khi họ luôn cảm thấy như thể mình đang sống trong một thế giới mờ ảo, thiếu sự kết nối với cảm xúc và cơ thể. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, điều này còn khiến khả năng cảm nhận niềm vui và sự hạnh phúc của người phụ nữ bị mất dần.
Phụ nữ hoàn hảo liệu có đang là khuôn mẫu thiếu chuẩn xác của xã hội?
Ngay từ khi còn bé, phụ nữ đã phải đối mặt với những kỳ vòng lớn lao về sự "hoàn hảo". Họ được dạy rằng phải trở nên dịu dàng, điềm đạm, không bộc lộ sự giận dữ hay bất mãn. Cũng từ đó, vỏ bọc điềm tĩnh bên ngoài được sản sinh, nhưng bên trong là một con người đang gồng mình với những cảm xúc dồn nén của mình. Ngược lại, đàn ông lại vô tư dễ dàng bộc lộ cảm xúc của chính mình mà không bị xã hội đánh giá quá nhiều.
Không ít phụ nữ, khi không thể tiếp tục kìm nén, đã rơi vào trạng thái mất kiểm soát hoặc mắc phải những rối loạn tâm lý nghiêm trọng. Không nhận được sự cảm thông, họ lại tiếp tục bị lên án, coi đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Thay vì hiểu rằng đó là hệ quả của một hệ thống kỳ vọng lệch chuẩn, thiếu sự công bằng.
Đến lúc phải phá vỡ "vỏ bọc"
Để không phải mất đi bản thân trong cuộc sống này, việc học cách chấp nhận và thấu hiểu cảm xúc của chính mình là điều vô cùng quan trọng. Sự điềm tĩnh không phải lúc nào cũng là điều tốt.
Đôi khi, chúng ta cần phải để cảm xúc được tự do, để bộc lộ sự phẫn nộ, sự yêu thương, hay sự đau khổ mà mình đang trải qua. Chỉ khi dám đối diện với những cảm xúc đó, chúng ta mới có thể tìm lại được chính mình.
Với một hành trình tự chữa lành, người ta có thể học được cách đặt ra ranh giới, biết lắng nghe cảm xúc của mình và không để chúng bị phớt lờ. Cảm xúc mạnh mẽ không phải là yếu điểm mà là sức mạnh và năng lượng giúp con người trưởng thành, mạnh mẽ hơn.
Tạm kết:
Đừng để hình mẫu người phụ nữ hoàn hảo trở thành cái giá phải trả cho việc đánh mất bản thân. Mỗi người có quyền được sống thật với chính mình. Cảm xúc không phải là điểm yếu mà là nguồn sức mạnh để mỗi người có thể trưởng thành và khám phá thế giới nội tâm phong phú của chính mình.
Mỹ Miều