Nếu như chốt phiên giao dịch hôm qua 19/12, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ sàn lãi suất thêm 0,25%, tỷ giá giữa đồng Yên Nhật và đồng USD rớt xuống khoảng 154 Yên/1 USD, mất hơn 2 Yên so với thời điểm mở phiên đầu tuần, thì hôm nay, tỷ giá này chìm xuống sâu hơn với 157,85 Yên/1 USD, mất thêm gần 4 Yên nữa.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán trung bình Nikkei trên sàn giao dịch Tokyo chỉ nhích lên 76,37 Yên, sau khi mất tới hơn 700 Yên vào thời điểm chốt phiên giao dịch hôm qua, và đang dừng trong khoảng 38.889 Yên. Đây là dấu hiệu bất thường, bởi vì, như một quy luật bất biến khó giải thích, khi đồng Yên mất giá thì chỉ số Nikkei sẽ tăng tương ứng và ngược lại.
Theo các chuyên gia thị trường, đa số những phản ứng tiêu cực hiện nay của thị trường Nhật Bản là do những ảnh hưởng từ tình hình chính trường và chính sách của Mỹ, dẫn tới tâm lý cảnh giác của các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng được nâng cao.
Tỷ giá giữa Yên Nhật và USD được niêm yết hôm nay tại thị trường Tokyo (ảnh: NHK)
Tiến sỹ kinh tế học Yamaguchi Masahiro – Giám đốc thị trường Ngân hàng tín thác Nhật Bản, phân tích: “Theo tôi, đến thời điểm hiện tại, chưa có những ảnh hưởng lớn và cụ thể. Tuy nhiên, nếu nhìn từ những nhân sự mà ông Donald Trump lựa chọn, với nhiều gương mặt có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về kinh tế, có thể dự báo là chính sách của Mỹ sẽ thay đổi lớn và ảnh hưởng sẽ không nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, đã có đủ bằng chứng để khẳng định, thị trường chứng khoán đang có những rủi ro cao”.
Các nhà kinh tế còn cảnh báo, do lo ngại những can thiệp của chính phủ Mỹ vào thị trường tài chính dưới thời ông Trump sẽ gia tăng, không chỉ tại thị trường Nhật Bản, mà tại cả các thị trường châu Á và Trung Đông, xu hướng bán đi đồng Yên để mua vào đồng USD sẽ tiếp tục kéo dài. Kéo theo đó, giá vàng thế giới cũng sẽ có những biến động khó lường trong thời gian tới.
PV/VOV-Tokyo