Giới nhà giàu khuấy động thị trường căn hộ có thương hiệu ở ASEAN

Giới nhà giàu khuấy động thị trường căn hộ có thương hiệu ở ASEAN
một ngày trướcBài gốc
Nhà đầu tư người Nhật Bản Tsubasa Yozawa cùng với các thành viên gia đình sinh hoạt bên trong căn hộ thuộc thương hiệu Ritz-Carlton ở tòa nhà King Power Mahanakhon tại Bangkok. Ảnh: Nikkei Asia.
Đông Nam Á trở thành điểm nóng
Sau 3 năm sinh sống ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), vào năm ngoái, nhà đầu tư người Nhật Bản Tsubasa Yozawa trở lại căn hộ hạng sang của ông thuộc thương hiệu Ritz-Carlton Residences ở tầng 66 của tòa nhà cao 77 tầng King Power Mahanakhon tại trung tâm Bangkok (Thái Lan).
Từ vị trí cao nhìn xuống thủ đô Thái Lan, người đàn ông 42 tuổi này có thể nhìn thấy, thị trường bất động sản cao cấp đang bùng nổ và tin rằng sẽ trở thành xu hướng lớn tiếp theo của Đông Nam Á.
“Dubai vẫn có lợi thế về thuế nhưng nhìn chung, Bangkok nổi bật theo nhiều cách, vừa mang lại sự thoải mái cho gia đình tôi vừa là điểm đến đầu tư”, Yozawa chia sẻ với Nikkei Asia.
Ông cho biết, kể từ khi mua căn hộ cao cấp Ritz-Carlton với giá khoảng 70 triệu baht (2 triệu đô la Mỹ) vào năm 2015, giá trị căn hộ này đã tăng hơn 70%.
Lạc quan với lợi nhuận cao và giá mua phải chăng, Yozawa đã chi hơn 280 triệu baht để mua thêm 5 bất động sản cao cấp khác tại các dự án mang tính biểu tượng như khu phức hợp One Bangkok và Dusit Thani Bangkok.
Trong vài thập niên qua, Bắc Mỹ đã dẫn đầu khái niệm hiện đại về khu chung cư có thương hiệu, được quản lý bởi các thương hiệu khách sạn toàn cầu và được xây dựng bởi các nhà phát triển địa phương. Thế nhưng, các dự án chung cư có thương hiệu mới đang dịch chuyển về phía đông và Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường nóng nhất.
Theo Công ty tư vấn phát triển nhà ở toàn cầu Savills (GRDC), vào năm ngoái, châu Á chiếm 21% trong tổng số 1.526 dự án căn hộ cao cấp trên toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á chiếm 12%.
Trong khi Bắc Mỹ chiếm thị phần lớn nhất về dự án căn họ cao cấp ở mức 25%, người đứng đầu GRDC, Rico Picenoni lưu ý, động lực đang chuyển sang châu Á. Thị phần căn hộ cao của khu vực này sẽ vươn ngang ngửa với Bắc Mỹ trong 10-12 năm tới.
Four Seasons Hotels & Resorts (Canada) là một trong những thương hiệu khách sạn cao cấp đang tập trung nhiều hơn vào Đông Nam Á.
Công ty này điều hành sáu dự án căn hộ hạng sang rong khu vực, bao gồm dự án bất động sản ven sông ở Bangkok được khai trương vào năm 2020.
Chris Meredith, giám đốc bộ phận nhà ở của Four Seasons cho biết, công ty dự kiến sẽ tăng gấp đôi danh mục đầu tư nhà ở tư nhân tại Đông Nam Á trong vòng 5-10 năm tới. Khu vực này đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các khu căn hộ hạng sang có thương hiệu nhờ nhu cầu của nhà đầu tư địa phương và sự trỗi dậy mạnh mẽ của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Công ty môi giới bất động sản Knight Frank dự báo, đến năm 2028, lượng người châu Á có giá trị tài sản ròng ít nhất 30 triệu đô la sẽ tăng 38,3% so với năm 2023, vượt qua tốc độ tăng ở Trung Đông là 28,3% và Bắc Mỹ là 25,7%. Trong giai đoạn này, các nước như Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều dự kiến tăng trưởng trên 30% về số lượng người có giá trị tài sản ròng cao.
Bill Barnett, nhà sáng lập C9 Hotelworks, một công ty tư vấn ở Phuket (Thái Lan) cũng chỉ ra “cuộc di cư toàn cầu” của các nhà đầu tư sau đại dịch Covid-19, với nhiều người chấp nhận làm việc từ xa và nghỉ hưu sớm.
“Chúng tôi đang chứng kiến làn làn sóng người về hưu ở Bắc Mỹ đổ đến Đông Nam Á để mua căn hộ hạng sang”, ông nói.
Việt Nam có tiềm năng vượt qua Thái Lan
Tuy nhiên, thị trường căn hộ cao cấp của khu vực đang ngày càng trở nên đông đúc, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi những công ty không truyền thống cũng nhập cuộc.
Hiện nay, Thái Lan thống trị thị trường bất động sản cao cấp của khu vực với 12.656 căn hộ đang được chào bán với tổng trị giá 6,2 tỉ đô la và chiếm 32% tổng nguồn cung tại châu Á, theo C9 Hotelworks.
Theo Trung tâm Thông tin bất động sản (REIC) của Ngân hàng nhà ở chính phủ Thái Lan, trong 9 tháng đầu năm ngoái, công dân Trung Quốc là những người mua căn hộ ở Thái Lan nhiều nhất, chiếm 40% tổng số giao dịch của người nước ngoài. Tuy nhiên, trong đó cũng bao gồm cả căn hộ tầm trung.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, những nỗ lực gần đây của Thái Lan nhằm thu hút các chuyên gia lành nghề và người nước ngoài giàu có thông qua thị thực thường trú dài hạn và thẻ đặc quyền cung cấp quyền cư trú và ưu đãi thuế đã góp phần đẩy tăng các giao dịch bất động sản cao cấp.
Đối với các công ty điều hành chuỗi khách sạn, khu căn hộ có thương hiệu ngày càng trở thành nguồn doanh thu quan trọng. Không giống như khách sạn, vốn phụ thuộc vào tỷ lệ lấp đầy không ổn định, căn hộ có thương hiệu có thể tạo ra thu nhập ổn định hơn từ phí cấp phép và quản lý.
Trong khi Thái Lan từ lâu đã là trung tâm của thị trường căn hộ có thương hiệu của khu vực, các cụm căn hộ nghỉ dưỡng cũng xuất hiện nhanh chóng ở những nước khác trong khu vực nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Dữ liệu của C9 Hotelworks cho thấy, nếu tính cả những dự án đang trong quá trình triển khai thì Việt Nam đứng đầu khu vực với 17.680 căn hộ cao cấp.
Nobu Hospitality, chuỗi nhà hàng và khách sạn Nhật Bản đã hợp tác với Viet Capital Real Estate của Việt Nam để xây dựng dự án khách sạn, nhà hàng và căn hộ mang thương hiệu Nobu đầu tiên ở Đông Nam Á tại Đà Nẵng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2027, dự án này là một tòa tháp nhìn ra biển, cao 43 tầng, bao gồm 264 căn hộ và 200 phòng nghỉ khách sạn.
Theo Adelina Wong Ettelson, giám đốc tiếp thị nhà ở toàn cầu của Mandarin Oriental (Hồng Kông), công ty bà có kế hoạch tăng gấp bốn lần danh mục đầu tư nhà ở lên 50 dự án trên toàn cầu vào năm 2033, bao gồm các bất động sản tại Đà Nẵng và Bãi Nồm ở Phú Yên, cũng như một bất động sản trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.
Theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank, tốc độ tăng trưởng giá nhà ở cao cấp tại Manila (Philippine) vượt xa khu vực trong năm 2024, tăng 17,9% so với năm trước, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ cả người dân địa phương và người nước ngoài. Thành phố này vượt trội hơn Singapore và Bangkok, có mức tăng trưởng giá nhà ở cao cấp lần lượt là 3,6% và 1,4% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cảnh báo, người mua cũng phải tiến hành thẩm định kỹ lưỡng các hợp đồng phát triển và quản lý căn hộ có thương hiệu. Có nguy cơ chủ sở hữu thương hiệu có thể đột ngột rút lui nếu các nhà phát triển không cung cấp đủ kinh phí cho hoạt động quản lý và bảo trì cơ sở vật chất.
Barnett của C9 Hotelworks cho biết, bắt đầu thấy nhiều dự án căn hộ cao cấp mang tính “đầu cơ” hơn đang xuất hiện ở một số thị trường như Bali và Phuket.
“Chúng ta đang ở đỉnh cao của chu kỳ khi tôi thấy các nhà phát triển căn hộ cao cấp hứa hẹn mức lợi nhuận hàng năm từ 10–15%. Điều đó là không bền vững”, ông nói.
Theo Nikkei Asia
Lê Linh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/gioi-nha-giau-khuay-dong-thi-truong-can-ho-co-thuong-hieu-o-asean/