Giới trẻ ngược dòng thời gian, tìm về 'địa chỉ đỏ' trước thềm Đại lễ 30/4

Giới trẻ ngược dòng thời gian, tìm về 'địa chỉ đỏ' trước thềm Đại lễ 30/4
11 giờ trướcBài gốc
Háo hức đi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi những gương mặt trẻ tuổi, ánh mắt đầy tự hào đến thăm. Mỗi bạn trẻ tới đây, không chỉ đơn thuần là tham quan một địa điểm du lịch, mà còn mang trong mình khát khao được chạm vào những trang sử hào hùng, được lắng nghe những câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và máu của thế hệ cha ông.
Vũ Anh Nguyên, học sinh lớp Địa 12, trường THPT Chuyên Thái Nguyên, dù đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia đầy cam go, vẫn dành thời gian tìm đến "địa chỉ đỏ" ý nghĩa này.
Với Nguyên, việc đặt chân đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một hành động thiết thực để góp chung vào tinh thần hướng về ngày lễ trọng đại:
"Mình luôn cảm thấy một sự thôi thúc đặc biệt khi nghĩ về lịch sử đất nước. Dù bận rộn với việc học, nhưng mình tin rằng việc hiểu rõ về quá khứ sẽ giúp mình có thêm động lực và trách nhiệm hơn với tương lai. Dịp lễ 30/4 tới, dù không thể tham gia trực tiếp các hoạt động diễu binh, mình sẽ theo dõi qua màn ảnh nhỏ để cảm nhận rõ hơn niềm tự hào và tình yêu nước", Nguyên chia sẻ với ánh mắt kiên định.
Anh Nguyên (ngoài cùng, áo đen) chăm chú cùng các bạn đọc thông tin về các hiện vật lịch sử tại Bảo tàng.
Cùng chung cảm xúc tự hào, Nguyễn Ngọc Mai, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ rằng, trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, việc lựa chọn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một cách để cô và những bạn trẻ như mình bày tỏ sự trân trọng đối với công ơn to lớn của thế hệ đi trước:
"Đến đây, mình được tận mắt chứng kiến những vũ khí thô sơ mà cha ông ta đã sử dụng để chiến đấu, những kỷ vật thấm đẫm máu và nước mắt. Điều đó giúp mình hình dung rõ hơn về những khó khăn, gian khổ mà họ đã trải qua để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”, Mai xúc động nói.
Không chỉ dừng lại ở Bảo tàng, Mai còn dự định sẽ khám phá thêm những di tích lịch sử khác của Hà Nội trong dịp lễ, trong đó có Nhà tù Hỏa Lò, một địa điểm mà dù đã đến nhiều lần, vẫn luôn khơi gợi trong cô gái trẻ những cảm xúc đặc biệt và thôi thúc cô tìm hiểu sâu hơn về những trang sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Ngọc Mai cảm nhận và biết ơn sâu sắc giá trị của hòa bình.
Mai chia sẻ thêm, hành trình tìm về "địa chỉ đỏ" Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu những thông tin, tư liệu lịch sử quý giá. Điều quan trọng hơn cả là những cảm xúc sâu lắng mà nơi đây mang lại cho những người trẻ tuổi. Đứng trước những hiện vật, những bức ảnh, những câu chuyện được kể, trong lòng mỗi người dường như trỗi dậy một niềm tự hào mãnh liệt về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, về sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ cha anh.
Những chiếc xe tăng, khẩu pháo từng làm nên những chiến thắng lẫy lừng, những bộ quân phục bạc màu thấm đẫm mồ hôi và máu, những lá thư gửi từ chiến trường chứa đựng bao nỗi nhớ nhà và khát vọng hòa bình… tất cả như những thước phim quay chậm, tái hiện lại một thời kỳ lịch sử gian khổ nhưng đầy khí phách. Sự khốc liệt của chiến tranh, sự kiên cường của người lính, sự hy sinh thầm lặng của hậu phương… tất cả được khắc họa một cách chân thực và xúc động, chạm đến trái tim của mỗi người trẻ.
Hướng trái tim từ Thủ đô, tri ân thế hệ cha ông
Việc thế hệ trẻ Thủ đô tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm Đại lễ 30/4 không chỉ mang ý nghĩa cá nhân của mỗi bạn trẻ, mà còn thể hiện một xu hướng đáng trân trọng trong cộng đồng. Đó là sự trỗi dậy của ý thức về cội nguồn, sự quan tâm sâu sắc đến lịch sử dân tộc và lòng biết ơn vô bờ bến đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Với Chu Đình Chính, sinh viên năm ba trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 30/4 không chỉ là một ngày lễ, mà còn là một cột mốc lịch sử quan trọng, nhắc nhở thế hệ trẻ về sự hy sinh vô bờ bến của cha ông để mang lại hòa bình và thống nhất cho đất nước. "Mỗi khi nghĩ về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mình lại trào dâng một niềm tự hào khó tả”, Chính xúc động.
“Mình rất yêu thích môn Lịch sử và việc đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời để mình có thể tìm hiểu sâu hơn về những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Chính bày tỏ. Việc được tận mắt nhìn thấy những hiện vật lịch sử, đọc những dòng chú thích cẩn thận giúp Chính và những bạn trẻ khác có cái nhìn chân thực và sống động hơn về một giai đoạn lịch sử đầy gian khó nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc.
Đình Chính (áo trắng) say mê với những trang sử được tái hiện qua các hiện vật.
Hành động này như một lời tri ân sâu sắc mà thế hệ trẻ gửi gắm đến những người anh hùng đã làm nên trang sử vàng của dân tộc. Nó khẳng định rằng, dù thời gian có trôi đi, những giá trị lịch sử, những bài học xương máu vẫn luôn được trân trọng và khắc ghi trong trái tim của mỗi người Việt Nam.
Từ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc đang được lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tất cả sự kính trọng và biết ơn. Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một Việt Nam ngày càng hùng cường và phát triển.
Minh Anh - Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/gioi-tre-nguoc-dong-thoi-gian-tim-ve-dia-chi-do-truoc-them-dai-le-304-post1737388.tpo