Giới trẻ với trách nhiệm gìn giữ văn hóa Việt

Giới trẻ với trách nhiệm gìn giữ văn hóa Việt
5 giờ trướcBài gốc
Nhiều bạn trẻ thể hiện nét riêng bằng việc chọn những bộ Việt phục cho ngày chụp kỷ yếu. Ảnh: Kỷ yếu Tobi
Từ một lựa chọn thời trang tưởng như vô hại, câu chuyện đặt ra nhiều suy ngẫm. Vì sao giới trẻ Việt lại bị cuốn hút bởi văn hóa học đường ngoại lai và đâu là lằn ranh giữa sự giao thoa văn hóa và nguy cơ phai nhạt bản sắc dân tộc?
“Mốt” văn hóa hay khoảng trống bản sắc?
Mới đây, một đoạn video ghi lại cảnh lớp học mặc đồng phục in chữ nước ngoài chụp ảnh kỷ yếu gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Theo đó, đoạn clip ghi lại việc nhóm học sinh này mặc đồng phục có in logo tiếng Trung Quốc, khiến giáo viên lo ngại về tính nhạy cảm của hình ảnh này trong môi trường học đường.
Theo thông tin được chia sẻ, lớp học này đã thuê trang phục theo phong cách “thanh xuân vườn trường Trung Quốc” để chụp ảnh kỷ yếu. Trên áo có in ký tự tiếng Trung, dịch là “Trung Thanh”, ý chỉ thanh thiếu niên Trung Quốc và trang phục này chỉ phù hợp cho thanh niên Trung Quốc.
“Thanh xuân Trung Quốc” là cụm từ miêu tả hay cách gọi về giai đoạn tuổi trẻ, thường gắn liền với hình ảnh những năm tháng trên ghế nhà trường, cùng với kỷ niệm đẹp thời học sinh như tình yêu đầu đời, tình bạn trong sáng, khát vọng và cả những tiếc nuối. Thanh xuân Trung Quốc trở nên phổ biến nhờ phim ảnh, truyện ngôn tình, âm nhạc và văn hóa, nơi mà thanh xuân thường được khắc họa rất nhẹ nhàng, lãng mạn, có chút hoài niệm.
Hiện tượng này không chỉ dừng lại ở một vài bộ trang phục. Từ phim ảnh đến mạng xã hội, hình tượng “thanh xuân Trung Quốc” hiện diện rõ nét, trở thành một phần trong đời sống tinh thần của một bộ phận học sinh, sinh viên.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ITN
Trên nền tảng TikTok, hàng trăm, hàng ngàn video “reup” (đăng lại) các cảnh phim học đường nước bạn, những đoạn cắt ghép khoảnh khắc ngọt ngào hay hài hước thu về hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt xem.
Không ít bạn trẻ miệt mài học tiếng Trung với mục tiêu ban đầu đơn giản là “xem phim không cần phụ đề”, để rồi dần dà thấm nhuần cả cách gọi “tiểu ca”, “muội muội”, “tỷ tỷ”, “học bá”, “soái ca” vào giao tiếp thường ngày, như một lẽ tự nhiên.
Dạo một vòng các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, gõ từ khóa “đồng phục học đường Trung Quốc”, hàng ngàn kết quả hiện ra với đủ mẫu mã, kiểu dáng: Từ bộ đồng phục thể dục với 2 màu trắng - xanh quen thuộc, những chiếc váy xếp ly caro, áo sơ mi oversize, đến đồng phục thủy thủ được “Trung hóa”.
Giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng, bắt đúng “trend” (xu hướng). Đó là những yếu tố khiến các mặt hàng này nhanh chóng được giới trẻ đón nhận. Phụ kiện đi kèm như kẹp tóc ngọc trai, bình nước in hình nhân vật, sticker, ốp điện thoại phong cách “thanh xuân vườn trường” cũng bán chạy không kém.
Vì sao giới trẻ mê trào lưu ngoại nhập?
Lý giải cho sức hấp dẫn này, yếu tố đầu tiên phải kể đến là sự đầu tư bài bản và chiến lược lan tỏa mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa đại chúng từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc... Phim ảnh, đặc biệt là dòng phim thanh xuân học đường, được sản xuất ngày một chỉn chu.
Kịch bản thường xoay quanh những câu chuyện tình bạn, tình yêu gà bông trong sáng, những trò nghịch ngợm tuổi học trò, những nỗ lực vượt qua khó khăn, những mô-típ gần gũi, dễ chạm đến cảm xúc của lứa tuổi mới lớn. Hình ảnh trong phim thường được trau chuốt với tông màu trong trẻo, góc máy đẹp, tạo nên một không gian học đường lung linh, đáng mơ ước.
Các nhân vật được xây dựng như những hình mẫu lý tưởng. Chính sự “hoàn hảo hóa” cuộc sống học đường, nơi áp lực thi cử tiêu cực dường như được giảm nhẹ, nhường chỗ cho những rung động đầu đời và tình bạn bền chặt, đã tạo nên một dạng “chủ nghĩa thoát ly” hấp dẫn, giúp các bạn trẻ tạm quên đi những căng thẳng của thực tại.
Nguyễn Hoàng M., sinh viên năm hai ngành Truyền thông tại một trường đại học ở TPHCM, chia sẻ: “Em nghĩ Trung Quốc rất giỏi trong việc tạo ra một “hệ sinh thái” văn hóa. Xem phim xong mình muốn mua đồ giống nhân vật, nghe nhạc phim, rồi tìm hiểu thêm về diễn viên, về đất nước họ. Mọi thứ liên kết với nhau rất chặt chẽ, phải thừa nhận là rất thu hút”.
Bên cạnh đó, việc sở hữu các nền tảng giải trí riêng và đẩy mạnh xuất khẩu nội dung chất lượng cao qua các nền tảng này đã giúp văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là văn hóa học đường, tiếp cận giới trẻ toàn cầu, trong đó có Việt Nam, một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Nói một cách công tâm, phim chủ đề “thanh xuân vườn trường” không quá khó thực hiện so với một số phim kinh dị, hành động... đòi hỏi phải hóa trang, võ thuật, dựng bối cảnh khủng... Thường câu chuyện trong phim “thanh xuân vườn trường” cũng không đề cập đến các vấn đề quá lớn lao, nội dung chủ yếu là xoay quanh tình yêu của người trẻ, những câu chuyện khi cắp sách đến trường…
Tuy nhiên, các dạng phim này ở Việt Nam không thu hút được quá nhiều sự quan tâm, nguyên nhân chính là việc chưa có sự bứt phá ở khâu nội dung. Nhiều nhà làm phim Việt vẫn chọn phương án an toàn khi “xào nấu” lại câu chuyện tuổi trẻ đã cũ như mâu thuẫn tuổi học trò, sinh viên, yêu đơn phương, mối tình vụng dại... Điều này dễ khiến phim “thanh xuân vườn trường” đi vào lối mòn, khó tạo sự mới lạ cho khán giả.
Nhà báo Hoàng Anh Tú, Trưởng ban biên tập tuần báo Hoa Học Trò, từng nhận định: “Các phim hiện nay theo tôi không có phim nào nói được “giọng nói” của người trẻ, thậm chí ngay cả khi người trẻ viết kịch bản cho người trẻ thì đôi khi cũng đặt mình cao hơn so với chính thế hệ của họ và dẫn đến tình trạng hơi giả so với thực tế.
Từ đó có thể thấy khả năng khai thác của các đạo diễn, biên kịch hiện nay hơi kém. Hoặc cũng có thể các nhà sản xuất điện ảnh thích theo đuổi những đối tượng khán giả khác hơn”.
Việc thiếu vắng các hình tượng nghệ thuật học đường mang đậm bản sắc Việt cũng là một yếu tố khiến giới trẻ có xu hướng tìm kiếm hình mẫu từ văn hóa nước ngoài.
Các bộ phim có nội dung 'thanh xuân vườn trường' nước ngoài được rất nhiều học sinh ưa thích. Ảnh: ITN
Lằn ranh mong manh trong tiếp nhận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giới trẻ tiếp nhận và yêu thích các sản phẩm văn hóa ngoại lai không phải bất thường. Tuy nhiên, vấn đề thực sự nằm ở ranh giới mong manh giữa tiếp nhận có chọn lọc để làm phong phú thêm đời sống tinh thần và sự tiếp nhận một cách thụ động, lệch chuẩn, dẫn đến nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc.
“Có những thứ trước khi mặc lên người, phải hiểu kỹ về nó, trước khi “nhập hàng” về, trước khi chụp và đăng, nhất định phải hiểu nó có nghĩa là gì, nó dành cho ai? Vì giờ nó đã thành chuyện của văn hóa, hòa tan trong thời hội nhập, và có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, lòng tự tôn dân tộc. Nhiều em còn nhỏ nên có thể chưa ý thức được, không hiểu logo đó có nghĩa gì. Nhưng khi lớn lên, ra đời, ra nước ngoài, các em sẽ thấy màu cờ sắc áo, văn hóa dân tộc là giá trị vô cùng thiêng liêng”, cô Nguyễn Tuyết Trinh, giáo viên tại một trường THPT cho biết.
Em Trần Mai A., học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở Hà Nội, chia sẻ: “Em thấy kiểu đồng phục nước ngoài rất xinh, mặc vào thấy trẻ trung, năng động. Phim học đường của họ cũng hấp dẫn, nhẹ nhàng và nhiều câu thoại hay. Em không nghĩ đó là “sính ngoại”, chỉ là thấy hợp mắt và phù hợp với lứa tuổi thì mình thích thôi”.
Bạn Hoàng Thu P., sinh viên năm nhất, cho biết: “Em thấy trào lưu này cũng bình thường, mỗi người một sở thích. Cá nhân em thích áo dài hơn khi nói đến đồng phục mang tính biểu tượng của nữ sinh Việt. Có lẽ chúng ta cần những thiết kế áo dài cách tân hiện đại hơn, hoặc những mẫu đồng phục khác đậm “chất” Việt Nam”.
Tại một tọa đàm về giáo dục văn hóa trong kỷ nguyên số, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích: “Tuổi vị thành niên là giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân. Trong thời kỳ này, các em rất dễ bị ảnh hưởng bởi hình mẫu lý tưởng, đặc biệt khi những hình mẫu đó được truyền tải bằng hình ảnh hấp dẫn, dễ đồng cảm.
Việc giới trẻ yêu thích văn hóa ngoại quốc không phải là điều xấu, tuy nhiên nếu không được định hướng, các em có thể rơi vào trạng thái “đánh đồng bản sắc cá nhân với bản sắc ngoại lai”, từ đó dẫn đến nguy cơ mờ nhạt về bản sắc văn hóa dân tộc của chính mình”.
Trong một góc nhìn khác, TS Nguyễn Thị Mai Hương, chuyên gia tâm lý học ứng dụng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cảnh báo: “Việc thần tượng hóa một nền văn hóa khác, đặc biệt là thông qua phim ảnh, âm nhạc học đường, nếu không có sự phản biện, sẽ khiến giới trẻ dần định hình tiêu chuẩn thẩm mỹ, hành vi, ngôn ngữ… theo cách nhìn của người khác. Đây là một dạng đồng hóa tiềm ẩn trong thời đại số, diễn ra âm thầm và khó kiểm soát nếu không có vai trò định hướng từ giáo dục gia đình và nhà trường”.
Việt Nam còn thiếu những bộ phim hay, để lại dấu ấn với đề tài thanh xuân, học đường. Ảnh cắt từ bộ phim 'Ngày xưa có một chuyện tình'
Để “thanh xuân Việt Nam” cất lời đáp xứng đáng
Vấn đề đặt ra không phải là bài ngoại hay tìm cách ngăn cấm giới trẻ “theo trend”. Trong một thế giới phẳng, nơi văn hóa được chia sẻ và lan tỏa với tốc độ chóng mặt, mọi xu hướng đều có thể trở thành “toàn cầu hóa” chỉ sau một đêm. Việc cấm đoán không chỉ bất khả thi, mà còn có thể gây ra những phản ứng ngược, khiến giới trẻ càng thêm tò mò và tìm cách tiếp cận.
Giải pháp căn cơ nằm ở việc chủ động kiến tạo những hình mẫu, những sản phẩm văn hóa Việt Nam đủ hấp dẫn, đủ hiện đại nhưng vẫn mang đậm hồn cốt dân tộc. Các nhà sản xuất phim ảnh, âm nhạc, thời trang, các nhà giáo dục và những người làm truyền thông cần một cú bắt tay chiến lược để xây dựng nên những sản phẩm học đường “made in Vietnam” chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với làn sóng văn hóa ngoại.
Giáo dục trong nhà trường và hoạt động truyền thông đóng vai trò then chốt. Thay vì những bài giảng khô khan, cần đưa văn hóa dân tộc đến với giới trẻ một cách sinh động, sáng tạo, thông qua chính những nền tảng mà họ đang sử dụng hàng ngày.
Một chiến dịch truyền thông về vẻ đẹp của tà áo dài, những bộ Việt phục, một bộ phim học đường Việt với kịch bản lôi cuốn và diễn xuất chân thực, một bài hát trẻ trung mang âm hưởng dân gian được phối khí hiện đại… đều có thể trở thành những “cú hích” mạnh mẽ, đánh thức niềm tự hào bản sắc trong mỗi người trẻ.
Bản sắc văn hóa không phải là một thứ gì đó bất biến, đóng khung, mà là một dòng chảy luôn vận động, tiếp biến và phát triển. Văn hóa Việt cần tự làm mới mình, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa thế giới để trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn trong mắt thế hệ trẻ, nhưng vẫn phải giữ được “hồn cốt”, cái riêng làm nên cốt cách dân tộc. Điều quan trọng là phải khơi dậy được sự tham gia của chính giới trẻ vào quá trình kiến tạo và làm mới văn hóa ấy. Bởi suy cho cùng, bản sắc không phải là thứ để rao giảng, mà phải là điều khiến người ta muốn thuộc về.
Hà Trang
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/gioi-tre-voi-trach-nhiem-gin-giu-van-hoa-viet-post732328.html